Chuyển đổi số là mấu chốt sống còn của báo chí

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng đã có cuộc trao đổi về những thách thức đặt ra của báo chí thời công nghệ số và yêu cầu trong chiến lược chuyển đổi số hiện nay. Đây là dịp, như ông nói, để mỗi nhà báo và mỗi cơ quan báo chí nhìn lại mình, đặt ra những mục tiêu và yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số theo xu hướng phát triển của báo chí hiện đại.

U3d.jpg

* PHÓNG VIÊN: Ông có nhận định gì về quá trình chuyển đổi số hiện nay của các cơ quan báo chí?

* Ông TRẦN TRỌNG DŨNG: Chiến lược chuyển đổi số quốc gia thời gian qua đã được từ Chính phủ đến lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt. Tại TPHCM, 2 năm qua các cơ quan báo chí đã triển khai với nhiều hình thức, cách làm phù hợp với điều kiện của từng tờ báo. Tất cả đều xác định chuyển đổi số mang yếu tố sống còn đối với báo chí trong kỷ nguyên số. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc sản xuất các sản phẩm báo chí cũng được thúc đẩy theo công nghệ mới, tạo sự thay đổi có thể nói là từng ngày, từng giờ. Nếu các cơ quan báo chí không chuyển đổi số kịp thì sẽ bị tụt hậu, bạn đọc sẽ không tiếp cận được thông tin, coi như là thất bại trên mặt trận thông tin, tuyên truyền.

U4e.jpg
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại một giải bóng đá trên sân Thống Nhất, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

* Trên thực tế, một số cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi số và đang tụt hậu khá xa so với mạng xã hội?

* Chuyển đổi số đặt ra yêu cầu phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ để hiện đại hóa công nghệ làm báo. Muốn thực hiện phải có kinh phí rất lớn. Các báo hiện gặp khó khăn về tài chính do phát hành và quảng cáo sụt giảm; trong khi vừa phải đối phó với khó khăn trước mắt để bảo đảm đời sống, thu nhập cho phóng viên, cán bộ, công nhân viên, vừa phải có một nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số. Đó là bài toán hóc búa cho lãnh đạo các cơ quan báo chí. Mỗi cơ quan báo chí tùy đặc điểm, điều kiện của mình nên chọn tìm khâu nào khả thi, hiệu quả nhất để đầu tư, tránh dàn trải. Đồng thời tranh thủ nguồn lực từ Nhà nước qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ. Nguồn lực quan trọng nữa đến từ việc vận động xã hội hóa theo nhiều phương thức hợp tác.

* Thưa ông, có ý kiến nói rằng đội ngũ nhà báo hiện nay còn “trẻ” quá?

* Khi nói về một nhà báo “trẻ”, nhiều người thường nghĩ đến độ tuổi của nhà báo. Tôi khác một chút, qua câu chuyện của người bạn tôi hay đùa là “nhà văn trẻ”. Mặc dù khi anh trở thành hội viên hội nhà văn đã ngoài 50 tuổi nhưng đọc các tác phẩm của anh toát lên hơi thở trẻ trung của cuộc sống hiện đại. Hơi thở cuộc sống mới là quan trọng. Chất “trẻ” ở đây không chỉ là công nghệ, mà còn là bản lĩnh người cầm bút, khả năng phát hiện, tinh thần xông xáo, đương đầu với khó khăn, thách thức. Mỗi nhà báo phải “trẻ” trong chính nội dung những tác phẩm của mình. Muốn vậy phải có trí tuệ, sức khỏe, kỹ năng viết báo và làm chủ công nghệ…

* Ông có thể nói thêm về mối quan hệ giữa phóng viên và tòa soạn trong quá trình chuyển đổi số hiện nay?

* Ngày trước, vai trò cá nhân phóng viên rất quan trọng. Để có một tác phẩm báo chí hay, hấp dẫn người đọc, nhất là giới trẻ, ngoài sự tham gia và quyết định của phóng viên (từ tư duy, phát hiện đề tài, suy nghĩ đến cách thức thể hiện) còn có sự chỉ đạo, hỗ trợ của tòa soạn trong quá trình tác nghiệp, tổ chức cung cấp dữ liệu, biên tập, trình bày hình ảnh, dàn dựng, đồ họa và truyền tải trên các nền tảng số... Sau cùng, còn có vai trò từ các cơ quan thẩm quyền trong chức năng, trong việc chủ động cung cấp thông tin chính thống cho báo chí theo quy định pháp luật.

* Việc cung cấp thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng tại TPHCM, theo ông đã đạt yêu cầu chưa?

* Thời gian qua, Trung tâm Báo chí TPHCM đã áp dụng khá hiệu quả việc tiếp nhận ý kiến từ cơ quan báo chí qua bộ phận tổng hợp. Nơi đây đã có hình thức tiếp nhận thông tin của báo chí đặt ra hàng tuần đến các sở, ngành, quận, huyện, rồi từ đây phân tích, chọn chuyển đến người có trách nhiệm để trả lời trực tiếp cho phóng viên, cơ quan báo chí, hoặc trả lời trong buổi giao ban báo chí hàng tuần. Khi phóng viên và cơ quan báo chí đặt ra những vấn đề thời sự “nóng” đang được người dân quan tâm đến Trung tâm Báo chí TPHCM, nơi đây chuyển ngay đến người có trách nhiệm ở cơ quan, đơn vị để trả lời ngay. TPHCM còn quy định về việc cung cấp thông tin minh bạch, công khai đến cơ quan báo chí, giao trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan có trách nhiệm phải kịp thời trả lời thỏa đáng các vấn đề báo chí phản ánh, đồng thời kiểm tra, giám sát việc trả lời cho báo chí.

* Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục