Vẫn còn nhiều thách thức
Thực tế, chuyển đổi kỹ thuật số trong giáo dục đại học là chuyển đổi số (CĐS) trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu và quản lý tại các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và cao đẳng. Việc chuyển đổi sẽ tìm ra công nghệ giúp ngành giáo dục năng suất và hiệu quả hơn bằng cách loại bỏ các rào cản do không gian và thời gian áp đặt bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận của sinh viên với nền học tập có chất lượng.
Đối với người học, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp sinh viên đạt được nhiều cải thiện trong việc học tập và tăng cường khả năng duy trì nhận thức. Đối với giảng viên, công nghệ sẽ giúp giảng viên đạt được mức năng suất mới, tăng thêm giá trị cho việc dạy và học của họ. Đối với các nhà quản lý, công nghệ số sẽ giúp cải thiện môi trường học tập của sinh viên, nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình, tăng sức mạnh cho các nghiên cứu tiên tiến và kích thích đổi mới trong giáo dục.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá, thời gian qua địa phương đã chú trọng lấy CĐS làm khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội và phấn đấu từng bước để xây dựng một chính quyền số, xã hội số. Trong xu thế đó, Trường Đại học Quảng Nam cũng như các trường đại học, cao đẳng trên cả nước phải là đơn vị tiên phong trong thực hiện CĐS, vì đây là nơi đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nền kinh tế của đất nước.
“Nhà trường cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, tổ chức dạy học và nghiên cứu khoa học. Không những thế, Trường Đại học Quảng Nam cũng phải hướng đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho CĐS của tỉnh và các địa phương lân cận. Hội thảo cần tập trung thảo luận để tìm ra những giải pháp căn cơ nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Còn PGS.TS. Huỳnh Trọng Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam, khẳng định, đây là xu thế tất yếu, công nghệ số đang len lỏi vào tất cả các ngành, lĩnh vực cũng như các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Với sự bùng nổ tri thức như hiện nay thì hoạt động dạy học, nghiên cứu ở các trường đại học phải có sự thay đổi để thích ứng và các thay đổi có thể thực hiện rất nhanh và thuận tiện thông qua CĐS. Đặc biệt, với giáo dục đại học, CĐS có lẽ là con đường đúng nhất và nhanh nhất để tạo ra sự đột phá cho ngành.
“Tuy nhiên, việc thực hiện CĐS trong giáo dục đại học hiện nay cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Trước hết là cần phải làm thay đổi tư duy, nhận thức và sự quyết tâm của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Sự hạn chế về khả năng ứng dụng công nghệ, sẵn sàng dấn thân vào công cuộc CĐS, sự hạn chế về kinh phí đầu tư, về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng là một trở lực lớn cho thực hiện chuyển đổi số ở các trường đại học hiện nay”, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam nói.
Xác định tầm quan trọng
Nói về tầm quan trọng của CĐS trong giáo dục, Th.S Hoàng Thị Hà My, Trường Đại học Quảng Nam cho rằng việc CĐS trong giáo dục sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực. Cụ thể, CĐS sẽ cung cấp thông tin đa dạng hơn, giúp ngành giáo dục giảm chi phí đào tạo. Đồng thời, CĐS tạo ra kho học liệu khổng lồ cho người học, giúp người học có thể truy cập vào tài nguyên học tập dễ dàng và ít tốn kém, người dạy có thể chia sẻ học liệu với người học nhanh chóng mà không cần phải gặp trực tiếp.
Cùng với đó, Th.S Hoàng Thị Hà My cũng đề cập đến việc CĐS trong giáo dục sẽ tăng tính tương tác, trải nghiệm thực tế và phù hợp với từng cá nhân người học. Các lớp học trực tuyến sẽ giúp học sinh, sinh viên có thể tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi, trao đổi kiến thức, thảo luận hoặc tương tác với nhau một cách dễ dàng.
“Trong thời đại công nghệ số và nền kinh tế tri thức, CĐS trong giáo dục chính là cơ hội để người học cập nhật và thích nghi, thay đổi phù hợp với thời đại, với sự biến đổi liên tục của công nghệ. Mỗi người dân sẽ là một công dân học tập, bất kể ai cũng có cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời, có cơ hội trở thành một công dân toàn cầu”, Th.S Hoàng Thị Hà My nhận định.
Bàn về ứng dụng số, PGS.TS. Ngô Quốc Dũng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đề xuất nền tảng đại học số cần đáp ứng đủ các tiêu chí yêu cầu về hiệu năng, đảm bảo an toàn thông tin mạng, giao diện và sao lưu, phục hồi dữ liệu. Về hiệu năng, cần có công thức định cỡ theo mức độ sử dụng thực tế của hệ thống, đảm bảo hoạt động ổn định và sẵn sàng mở rộng.
Về an toàn thông tin mạng cần đảm bảo khả năng an toàn, bảo mật thông tin theo nhiều mức và cần đảm bảo phòng chống được các tác động tấn công phổ biến. Đối với giao diện cần phải thân thiện với người dùng, bố cục hợp lý, phù hợp với công việc chuyên trách của từng người.
“Đồng thời, các cơ sở dữ liệu phải được sao lưu dự phòng định kỳ và đột xuất, có khả năng lưu trữ dữ liệu với dung lượng lớn, tính ổn định cao, đảm bảo sẵn sàng cho việc phục hồi”, PGS.TS Ngô Quốc Dũng đề xuất.