Thứ trưởng Bộ TT-TT NGUYỄN HUY DŨNG: Công nghệ số phải bình dân
Để toàn dân nhập cuộc một cách nhanh chóng vào môi trường số, theo tôi, công nghệ số phải được cung cấp như là một dịch vụ thiếu yếu và phổ biến, càng nhiều người sử dụng thì giá trị càng cao, chi phí càng thấp. Những nền tảng công nghệ số là chìa khóa giải quyết vấn đề này. Đó có thể là hạ tầng viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, định danh và xác thực số, dữ liệu lớn, an ninh mạng… tạo ra dịch vụ cung cấp cho mọi doanh nghiệp và người dân với giá rẻ, dễ tiếp cận như điện, nước, hay viễn thông di động. Khi các nền tảng số cung cấp công nghệ như là một dịch vụ được sử dụng phổ biến, công nghệ số sẽ trở thành yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh của xã hội.
Ông NGUYỄN VĂN KHOA, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA): Hợp lực để phát triển
Chính phủ cũng đang rất nỗ lực cùng với các bộ, ban ngành để thúc đẩy chuyển đổi số. Công tác này muốn thuận lợi phải lấy sự đoàn kết, sự chia sẻ và kết nối làm trọng tâm. Cũng giống như Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã chọn người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tất cả chúng ta cần phải có sự hợp lực, đoàn kết, cùng chung tay thực hiện mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số phát triển. Các địa phương như Hà Nội, TPHCM đang xây dựng những chương trình phát triển kinh tế số dựa vào thế mạnh của địa phương. Đây là cách các địa phương, bộ ngành, thậm chí là các doanh nghiệp cần tham khảo, nghiên cứu, ứng dụng phù hợp vào công cuộc chuyển đổi số của chính mình.
Ông PHAN PHƯƠNG TÙNG, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DXCenter): Cần được tiếp sức
Hiện nhiều doanh nghiệp đã khá nhạy bén tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số do thiếu hạ tầng công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh và chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số. Vì vậy, bên cạnh những chính sách đã có, thành phố nên có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số, như: cơ chế đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ số cho doanh nghiệp; nguồn kinh phí tài trợ đào tạo hoạt động chuyển đổi số cho doanh nghiệp và các tổ chức…
BS-CK II TRẦN VĂN KHANH, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TPHCM: Tạo môi trường làm việc hiện đại, minh bạch
Trong thời gian qua, bệnh viện rất quan tâm tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi y tế số, tiến đến xây dựng bệnh án điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Bên cạnh các thuận lợi, việc triển khai đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin còn gặp một số khó khăn về kinh phí đầu tư. Cụ thể, hồ sơ bệnh án điện tử cần một nguồn kinh phí không nhỏ mà cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung chưa rõ ràng. Để đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi số trong ngành y, rất mong Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế khi tham mưu, xây dựng và ban hành các thông tư cần căn cứ phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương, vùng miền, trong đó then chốt là phần cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kinh phí để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế nói riêng và chuyển đổi số nói chung được tốt hơn.
Ông HUY NGUYỄN, Giám đốc điều hành Công ty KardiaChain, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam: Ứng dụng blockchain chuyển đổi số
Logistics cũng là một ngành có được lợi thế nhờ vào việc ứng dụng blockchain. Trong chuyển đổi số ngành logistics, những vấn đề về quản lý kho bãi, xuất nhập hàng, truy xuất thông tin hợp đồng vận chuyển sẽ có tính minh bạch và hiển thị cao hơn. Ứng dụng thành công nhất hiện tại của blockchain chính là trong lĩnh vực tài chính nhờ vào tính bảo mật tốt, nhưng đồng thời cũng rất minh bạch. Các hệ thống ngân hàng chính quy sử dụng blockchain hoàn toàn có thể chứng thực những giao dịch diễn ra mà không cần những thủ tục sao kê nhập nhằng.
Hiện tại, ứng dụng blockchain vào chuyển đổi số ở Việt Nam đang phát triển. Blockchain được xem là một trong những công nghệ chủ lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và ngày càng có nhiều những báo cáo đưa ra những đề xuất về bộ khung pháp lý giúp blockchain hiện hữu trong đời sống người dân theo cách thiết thực nhất. Tôi tin rằng, nếu được đầu tư đầy đủ, phát triển đúng hướng thì hoàn toàn có thể đi đầu trong việc tạo ra một nền tảng blockchain đa dụng, giá cả phải chăng và tương thích nhiều lĩnh vực trong đời sống, giúp chuyển đổi số có thể diễn ra nhanh hơn, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong cả khu vực.