Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh

Ngày 22-8, tại Đà Nẵng, Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025” cho CCB 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tại tọa đàm, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn là giải pháp quan trọng giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhưng đạt lợi nhuận cao, góp phần đẩy nhanh tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế số.

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo Ban Kinh tế (Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam), đến năm 2025, tất cả chương trình được xây dựng đồng bộ, thống nhất trên nền tảng số với ít nhất 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý qua môi trường mạng; ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về Thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Ít nhất 70% xã có các HTX, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong chuyển đổi số; tuy vậy, đến nay tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới trên 50% và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp khoảng trên 10%. Cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng tiến độ, an toàn, an ninh mạng còn sơ hở. Nguồn lực ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Kinh tế một số khu vực miền núi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở miền Trung - Tây Nguyên.

Tại tọa đàm, đại biểu 15 tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng chuyển đổi số ở địa phương.

Đề cập đến huyện nông thôn ở Đà Nẵng, ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết, huyện Hòa Vang đã hoàn thành 15/20 mục tiêu, trong đó có 7 mục tiêu vượt mức kế hoạch chuyển đổi số… Thời gian tới, huyện cần phấn đấu mỗi hộ dân (hộ nghèo, cận nghèo) có 1 điện thoại thông minh để tiếp cận các dịch vụ số do chính quyền, doanh nghiệp cung cấp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh số hóa, xây dựng dữ liệu số, nền tảng số trong xây dựng nông thôn mới như xây dựng bản đồ số về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; xây dựng bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch địa phương; định danh các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ độc lạ của các xã, thôn sử dụng công nghệ BlockChain; đưa các sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên sàn thương mại điện tử để tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường.

Đại diện Hội CCB 15 tỉnh thành tham quan hoạt động của UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Đại diện Hội CCB 15 tỉnh thành tham quan hoạt động của UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, đại diện Hội CCB tỉnh Lâm Đồng, các cấp hội cần vận dụng đa dạng hình thức, phương pháp giáo dục, tuyên truyền, chú trọng kết hợp các phương pháp truyền thống với ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin. Đấu tranh khắc phục những nhận thức, hành vi sai trái, lệch lạc trong đội ngũ cán bộ hội như cho rằng việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi số chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành chuyên môn...; nâng cao chất lượng hoạt động Trang thông tin điện tử Hội CCB tỉnh và nhóm zalo có liên quan kịp thời phản ánh các hoạt động hội, nêu gương sáng…

Theo ông Lê Phước Miễn, đại diện Hội CCB tỉnh Quảng Trị, cần làm điểm một số mô hình CCB trong Chương trình chuyển đổi số xây dựng Nông thôn mới để tham quan học tập và triển khai.

Tin cùng chuyên mục