Chuyển đổi số hướng đến phục vụ người dân tốt hơn

Tại TPHCM, nhiều thủ tục hành chính cơ bản, quan trọng đang được các cơ quan nhà nước cung cấp trực tuyến như cấp, đổi hộ chiếu; đổi giấy phép lái xe; nộp thuế; đăng ký doanh nghiệp... tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Song song đó, doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp nhỏ và người dân là trọng tâm

Theo ông Phí Anh Tuấn, Trưởng ban Chuyển đổi số mảng doanh nghiệp của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TPHCM (DXCenter), những băn khoăn thường xuyên của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là lựa chọn đúng nền tảng chuyển đổi số phù hợp nên doanh nghiệp cần lựa chọn giải pháp có khả năng tích hợp cao, có tính thực tiễn, đáp ứng mọi quy mô doanh nghiệp.

J1e.jpg
Người dân tìm hiểu giải pháp chuyển đổi số tại triển lãm công nghệ chuyển đổi số diễn ra tại TPHCM. Ảnh: TẤN BA

Trên tinh thần đó, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, với mục tiêu giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, UBND TPHCM giao các sở ngành và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Cổng thông tin của chương trình tại địa chỉ http://smedx.vn. Đồng thời, các đơn vị vận động doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố tham gia tiếp cận, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tại địa chỉ nêu trên và địa chỉ https://dbi.gov.vn; sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số.

UBND TPHCM cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trên địa bàn thành phố được tiếp cận, cập nhật thông tin nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, được dùng thử các nền tảng chuyển đổi số. Qua đó, nâng tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 60%. Ông Phan Phương Tùng, Giám đốc DXCenter, nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà còn tạo ra những cơ hội tiếp cận các khách hàng tiềm năng và mở rộng thị trường…”.

Để người dân tham gia chuyển đổi số, việc nâng cao kỹ năng cho tổ công nghệ số cộng đồng cũng được các đơn vị của thành phố chú trọng. Hiện TPHCM đã thành lập 2.620 tổ công nghệ số cộng đồng với 11.059 thành viên tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ người dân về công tác chuyển đổi số tại địa phương. Thời gian qua, tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương đã tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của thành phố, hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng VNeID...

J4f.jpg
Nhân viên Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM hoàn thiện ứng dụng Công dân số TPHCM

Theo Sở TT-TT TPHCM, thành phố xác định tất cả ứng dụng công nghệ thông tin phải luôn hướng đến việc tạo sự thuận tiện cho người dân sử dụng, xoay quanh nhu cầu, lợi ích của người dân. Do đó, tổ công nghệ số cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của thành phố, giúp hình thành được các công dân số tại địa phương thông qua công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn về chuyển đổi số cho người dân.

Khai thác tài nguyên dữ liệu số

Thời gian qua, TPHCM cũng tập trung công tác chuyển đổi số gắn với chủ đề năm 2024 là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”, phù hợp định hướng chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Qua đó, thành phố gặt hái một số kết quả. Đến nay, tất cả cơ quan nhà nước thuộc thành phố đã triển khai thư điện tử công vụ, hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống quản lý văn bản, tài liệu điện tử… Thành phố đã đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung và Cổng dịch vụ công thành phố; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số, đạt 740 dịch vụ công trực tuyến (460 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 280 dịch vụ công trực tuyến một phần).

“Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2024 - 2025 của thành phố là đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung của thành phố, tạo lập các dữ liệu theo Chiến lược quản trị dữ liệu, đẩy mạnh tích hợp và chia sẻ dữ liệu; bổ sung hạ tầng số đáp ứng nhu cầu phát triển ứng dụng đô thị thông minh, chuyển đổi số cho giai đoạn 2026-2030”, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM Võ Thị Trung Trinh chia sẻ.

Chiến lược quản trị dữ liệu số của thành phố được xây dựng nhằm khai phá tiềm năng dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các cơ quan chính quyền thành phố, cung cấp dịch vụ thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân, tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển kinh tế số một cách toàn diện và bền vững. Theo Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng, quản trị dữ liệu và chuyển đổi số của TPHCM giai đoạn 2024-2026 có 4 định hướng chính. Cụ thể, đưa nền hành chính, quản trị thực thi của thành phố hoạt động trên các nền tảng số (quản trị số); chuyển đổi số các ngành; xây dựng giải pháp, dịch vụ số chất lượng cao; khai thác dữ liệu hiệu quả. Từ 4 định hướng này, thành phố xác định các giải pháp thực hiện đó là hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực số và huy động nguồn lực.

TPHCM xác định “dữ liệu số” là nền tảng, chìa khóa quan trọng để chuyển đổi số một cách toàn diện; phát triển nền kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế dữ liệu, trong đó dữ liệu là tài nguyên, tài sản… Điều này đã được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy khẳng định tại hội thảo “Tầm nhìn và hành động lãnh đạo trong quản trị dữ liệu và chuyển đổi số TPHCM” được tổ chức mới đây.

Tin cùng chuyên mục