Những nỗ lực không ngừng nghỉ
Nhìn lại giai đoạn chuyển mình phát triển, quận Bình Tân (TPHCM) luôn đứng trước áp lực gia tăng dân số cơ học, là một trong địa phương có dân số đông nhất TPHCM với gần 1 triệu người sinh sống và làm việc. Trước áp lực này, chuyển đổi số (CĐS) gắn với cải cách hành chính là hướng đi chiến lược tiến lên hiện đại hóa bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Dân số đông, kinh tế - xã hội ngày một phát triển, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) luôn ở mức cao. Điều này đặt ra những bài toán phức tạp cho quận Bình Tân trong quản lý dữ liệu dân cư, giải quyết hồ sơ TTHC và các dịch vụ công. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu chia sẻ, quản lý nhà nước ở một quận đông dân như quận Bình Tân không chỉ đòi hỏi sự linh hoạt mà còn cần đến giải pháp sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực có hạn.
Ngay từ đầu năm 2024, chính quyền quận đã nhanh chóng triển khai nhiều chương trình lớn, trong đó nổi bật là triển khai các chương trình: “Chuyển đổi số của TPHCM”, Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn quận Bình Tân.
Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về CĐS cũng được tổ chức thường xuyên. Nổi bật là chương trình “Đi bộ đồng hành hưởng ứng chuyển đổi số” thu hút hơn 2.000 người tham gia, kết hợp các hoạt động hướng dẫn cài đặt ứng dụng chữ ký số, VNeID, và thanh toán không dùng tiền mặt. Một trong những kết quả thiết thực là việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 cho 284.854 tài khoản (đạt tỷ lệ hơn 91%). Bên cạnh đó, thực hiện chiến dịch 90 ngày đêm cấp căn cước công dân và điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết 11 của HĐND TPHCM cho hơn 634.786 nhân khẩu (tỷ lệ hơn 92%).
Từng bước hiện đại hóa nền hành chính đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Giờ đây, người dân quận Bình Tân thụ hưởng một môi trường hành chính hiện đại, thân thiện, gần gũi, nâng cao chất lượng cuộc sống và hài lòng đối với chính quyền. “Việc kích hoạt định danh mức độ 2 giúp người dân dễ dàng thực hiện các TTHC mà không cần trực tiếp đến cơ quan, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí”, ông Trần Đức Huân (ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân) bày tỏ sự hài lòng khi trải nghiệm dịch vụ công của quận.
Cùng với những nỗ lực trên, quận Bình Tân còn tiên phong trong việc vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Đây là nền tảng tích hợp dữ liệu từ 11 lĩnh vực khác nhau, giúp hỗ trợ công tác chỉ đạo và ra quyết định của chính quyền. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến với 109 TTHC cấp quận và 59 TTHC cấp phường đã được số hóa toàn trình hoặc một phần. Quận triển khai ứng dụng nền tảng trợ lý ảo thuộc 3 nhóm hỗ trợ công chức, viên chức. Ứng dụng các công nghệ như mã QR trong thanh toán chi phí, triển khai chữ ký số, nâng cấp ứng dụng “Bình Tân công dân số” tích hợp giải pháp chatbot... đã hỗ trợ hướng dẫn người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả, nhanh chóng.
Nâng cao năng lực số
Những kết quả đạt được đã khẳng định tính hiệu quả trong công tác CĐS gắn với cải cách hành chính của quận Bình Tân. Để tiếp tục phát huy kết quả đó, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Trung Anh nhấn mạnh, giải pháp đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến và sử dụng các tiện ích của Đề án 06.
Đồng thời, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp cùng đồng hành với quận trong việc sử dụng hiệu quả, tối đa các tiện ích dịch vụ công, ứng dụng công nghệ, chính quyền điện tử, chính quyền số mà quận cung cấp. UBND quận Bình Tân cũng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa TTHC theo thẩm quyền, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng thực hiện phối hợp, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Quận tập trung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nền tảng số...
Cùng với đó, tiếp tục phát huy hiệu quả Tổ công tác thực hiện Đề án 06 và công nghệ số cộng đồng trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại quận, phường và 366 khu phố trên địa bàn, nhằm hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhất là trên Hệ thống giải quyết TTHC TPHCM. Việc nâng cao năng lực công nghệ cho đội ngũ cán bộ, công chức là yếu tố quan trọng để CĐS thành công.
CĐS gắn với cải cách hành chính tại quận Bình Tân đạt được những kết quả nổi bật đã tạo tiền đề vững chắc để quận tiếp tục phát triển trong tương lai. Cùng với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị quận Bình Tân, người dân và cộng đồng doanh nghiệp vững tin tiếp bước hướng đến xây dựng chính quyền số hiện đại, công dân số toàn diện, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM nói chung và quận Bình Tân nói riêng trong hành trình tiến bước vào kỷ nguyên CĐS, kỷ nguyên vươn mình phát triển.
Về TTHC trực tuyến:
- Cấp quận: triển khai 109 thủ tục
- Cấp phường: triển khai 59 thủ tục
- Ứng dụng chữ ký số đối với 14 TTHC
Mô hình, sáng kiến cải cách hành chính:
- Hoàn thành 7/7 sáng kiến, giải pháp đã đăng ký với TPHCM
- Phê duyệt 38 sáng kiến, giải pháp của các cơ quan, đơn vị ở quận