Chuyển đổi số: Doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn lực, vượt khó

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp (DN) phát triển. Thế nhưng, việc tìm và ứng dụng mô hình chuyển đổi số phù hợp, lượng hóa nguồn tài chính để vận hành là một hành trình dài hơi đối với DN. 
Ông Kie Nguyễn (Công ty gannha.com) hướng dẫn các bạn trẻ nghiên cứu phần cứng để áp dụng cho hệ sinh thái chuyển đổi số offline to online tại vườn ươm SHTP-IC. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Kie Nguyễn (Công ty gannha.com) hướng dẫn các bạn trẻ nghiên cứu phần cứng để áp dụng cho hệ sinh thái chuyển đổi số offline to online tại vườn ươm SHTP-IC. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không thể sử dụng phần mềm

Ông Lê Thanh Tâm, Công ty My One - công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực may mặc, cho biết, từ hai năm trước, công ty đã thuê đơn vị tư vấn để xây dựng mô hình chuyển đổi số cho DN nhưng bị thất bại. Nguyên nhân là đơn vị tư vấn không có chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất nói chung và dệt may nói riêng, nên phần mềm tuy được xây dựng nhưng không thể ứng dụng. Đến nay, công ty vẫn phải sử dụng mô hình sản xuất truyền thống, thâm dụng lao động là chủ yếu nên gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về giá thành. 

Thực tế có không ít trường hợp như DN của ông Lê Thanh Tâm, thậm chí có những trường hợp dẫn đến khởi kiện. Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, chia sẻ, hiện văn phòng luật sư Phạm Hưng đang tiếp nhận vụ kiện của khách hàng liên quan đến hợp đồng chuyển đổi số. Theo đó, công ty này đã đầu tư khoản kinh phí gần 9 tỷ đồng để thuê đơn vị tư vấn triển khai giải pháp chuyển đổi số. Tuy nhiên, sau khi triển khai, điều chỉnh nhiều lần thì đến nay phần mềm vẫn không thể đưa vào sử dụng. Bên đơn vị tư vấn không có thiện chí đền bù nên công ty thực hiện khởi kiện theo quy định của pháp luật. 

Nhiều lãnh đạo DN cho biết đang rơi vào “ma trận” tư vấn triển khai chuyển đổi số cho hoạt động sản xuất. Có những đơn vị tư vấn chuyển đổi số uy tín, nhưng vì DN không có nguồn nhân lực ổn định, thường xuyên thay đổi nhân viên phụ trách dự án nên việc triển khai bị kéo dài, dẫn đến thất bại. Ngoài ra, nhiều đơn vị tư vấn không có kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực sản xuất cụ thể nên không xây dựng được phần mềm quản trị số phù hợp cho DN. 

Lo dịch vụ công chưa theo kịp

Theo ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Tư vấn P.A.T Consulting, không thể phủ nhận việc có nhiều đơn vị tư vấn chuyển đổi số đang “mọc lên như nấm”, vì vậy DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, định lượng yêu cầu cụ thể, xác lập mục tiêu với nhà cung cấp trước khi triển khai. “Tôi có thể khẳng định rằng, nếu thất bại ở khâu chuẩn bị thì chắc chắn nhận thất bại trong chuyển đổi số. DN thà chậm một nhịp hiện tại nhưng có thể đi nhanh ở những nhịp sau”, ông Phí Anh Tuấn chia sẻ.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, có 4 kinh nghiệm mà DN khi bắt tay thực hiện chuyển đổi số hoạt động quản trị hoặc sản xuất cần nắm rõ. Đầu tiên, chuyển đổi số phải căn cứ vào nội lực tài chính hiện có và nguồn thu ổn định để duy trì vận hành sau khi ứng dụng; nên gắn hoạt động chuyển đổi số với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu. Ưu tiên thực hiện chuyển đổi số từ bộ phận đang tạo ra nguồn thu tài chính lớn và ổn định nhất. Bên cạnh đó, phải xác định rằng không có quy trình nào cố định mà sẽ được điều chỉnh, cập nhật liên tục để phù hợp với xu hướng phát triển. DN phải tư duy dài hạn trong chuyển đổi số, phải tính bằng 3-5 năm, để từ đó chuẩn bị nguồn lực cho chuyển đổi số. “Quan trọng hơn hết, chuyển đổi số phải xuất phát từ quyết tâm của người đứng đầu DN”, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, khẳng định. 

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Thư ký Hiệp hội Xây dựng TPHCM, cho rằng, nếu DN đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nhưng hạ tầng chuyển đổi số dịch vụ công chậm thì DN vẫn bị “níu chân”. TPHCM đang áp dụng 800 cổng dịch vụ để người dân tiếp cận hình thức trực tuyến, nhưng chỉ có 20 dịch vụ kết nối với Cổng thông tin chính phủ. Đơn cử như dịch vụ thanh toán các thủ tục đất đai, tại TPHCM mất 28 ngày trong khi tại một số địa phương chỉ mất 30-60 phút. Một yếu tố khác mà nhiều DN cũng chia sẻ là việc hỗ trợ vốn từ phía cơ quan chức năng, hệ thống ngân hàng dành cho hoạt động này chưa minh bạch. DN hiện vẫn chưa tiếp cận được gói vốn vay chuyển đổi số, thậm chí chưa thể “chạm tay” gói hỗ trợ lãi suất 2%, nên gặp khá nhiều khó khăn, nhất là khi nước ta có đến hơn 90% DN vừa và nhỏ.

Ông NGUYỄN VIẾT TOÀN, Chủ tịch Hiệp hội DN quận Tân Phú, TPHCM: Cần có chính sách tài chính, tín dụng rẻ cho DN chuyển đổi số

Trên thực tế, nếu một nhà máy không thực sự chuyển đổi số thì không thể tồn tại. Thế nhưng, với hơn 90% DN nội là vừa và nhỏ, bị thiếu nguồn lực vốn và nguồn nhân lực chuyển đổi số thì việc chuyển đổi số hết sức gian nan. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa có những cú hích thực sự giúp DN chuyển đổi số, các nguồn tín dụng chưa có chính sách hỗ trợ vốn rẻ cho DN. Do vậy, cần thiết phải có chính sách tài chính tín dụng rẻ, dễ tiếp cận để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho DN.

Tin cùng chuyên mục