Sáng 28-10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế ngành giáo dục TPHCM với chuyên đề “Chuyển đổi số giáo dục - từ cốt lõi đến toàn diện”, nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đề ra các mục tiêu chuyển đổi số ngành giáo dục giai đoạn năm 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Tham dự hội thảo có Thứ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cùng đại diện UBND các quận huyện, TP Thủ Đức; các chuyên gia giáo dục; đại diện các cấp trường trên địa bàn TPHCM.
Tại hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới cải cách hành chính, tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố.
Những năm qua, công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục mạnh mẽ và đem lại những thành tựu bước đầu. Một trong những thành tựu lớn của việc chuyển đổi số là tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp, việc học tập trên nền tảng số giúp giáo viên và học sinh tương tác và trao đổi với nhau dễ dàng, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra.
Tính đến hết năm học 2021-2022, ngành giáo dục TPHCM đã xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu dùng chung, quản lý 2387/2387 đơn vị, bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Trong năm học vừa qua, ngành giáo dục TPHCM đã sử dụng thí điểm 12 phần mềm dạy học trực tuyến đáp ứng theo yêu cầu dạy học và sử dụng dữ liệu dùng chung của thành phố, phối hợp với Trung tâm CNTT tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM để xây dựng bản đồ địa lý thông minh…
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu TPHCM nhận định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng ngành giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, ngành giáo dục xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: đào tạo kỹ năng số, nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên; tập trung các nguồn lực đầu tư hạ tầng đáp ứng nhu cầu quản lý CNTT tại các cơ sở.
Thực tế, chuyển đổi số giúp giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn. Hiện nay, CNTT được áp dụng rộng rãi trong công tác quản lý giáo dục như: phần mềm quản lý dữ liệu học sinh, quản lý chuyển trường, hệ thống học đường thông minh, phần mềm xếp thời khóa biểu…
Đề cập đến những khó khăn còn tồn tại, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, với số lượng học sinh, giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý rất lớn nên việc triển khai hệ thống, phần mềm rất phức tạp. Trong khi đó, nguồn lực CNTT còn rất hạn chế, việc cập nhật cơ sở dữ liệu các trường vẫn chưa kịp thời. Năm học 2021-2022, mặc dù Sở đã xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu dùng chung nhưng vẫn còn hạn chế như: dữ liệu chưa đầy đủ, vấn đề an ninh mạng, hạ tầng cơ sở chưa tốt, chưa có nguồn nhân lực về CNTT…
Để khắc phục những khó khăn, Sở GD-ĐT TPHCM tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu gốc (Master Data) để từng bước liên thông kết nối, chuyển giao dữ liệu giữa các cấp học. Phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ để hướng dẫn, nâng cao chất lượng nguồn dữ liệu; phát huy tối đa nội lực đội ngũ CNTT…
Về mục tiêu chuyển đổi số ngành giáo dục đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tiếp tục xây dựng hệ thống học tập bất đồng bộ và kho dữ liệu học mở làm nền tảng xây dựng xã hội học tập. Sử dụng AI trong giáo dục; ứng dụng blockchain để quản lý, xác thực liên thông điểm số, văn bằng...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, hệ thống giáo dục tại TPHCM có quy mô hơn 2 triệu học sinh, học viên và trên 100.000 giảng viên, giáo viên, chuyên gia, nhà khoa học. Đây là lực lượng mà thành phố rất quan tâm, trân trọng. Việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục có sự đóng góp rất lớn từ đội ngũ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, nhiều giải pháp ứng dụng CNTT vào dạy học và quản lý, đạt được hiệu quả cao.
Tuy nhiên, thông qua hội thảo, thành phố mong muốn có thêm nhiều giải pháp để xây dựng cơ sở giáo dục TPHCM phát triển hội nhập, định hướng xây dựng cơ sở giáo dục đạt được trình độ tiên tiến và đáp ứng nhu cầu phát triển thành phố và hội nhập quốc tế.