Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, việc nghiên cứu KHCN trong ngành y tế là một trong những hoạt động rất quan trọng để nâng cao hiệu quả cho đội ngũ quản lý, việc chăm sóc sức khoẻ người dân được thuận tiện. Sự kiện với mục tiêu kết nối, đặt hàng KHCN với các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần nâng cao hoạt động ngành y tế tại TPHCM trong giai đoạn năm 2022-2025.
Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại sự kiện |
"Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia và Sở Y tế để kết nối giữa các bên, đặt hàng sản phẩm, tìm ra các giải pháp mới, có thể ứng dụng ngay vào ngành y tế nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc", Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
Tại sự kiện, đại diện một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM cho rằng, việc áp dụng KHCN sẽ đánh giá được năng lực của ngành y tế, từ đó có những chiến lược phát triển phù hợp với xu thế, giảm thiểu áp lực cho đội ngũ quản lý. Tuy nhiên, ngành y tế TPHCM cần xây dựng ngân hàng dữ liệu, có chuyên gia về dữ liệu, để tạo sự đồng bộ trước khi áp dụng KHCN vào công tác quản lý.
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, hiện nay trên địa bàn TPHCM có 12 bệnh viện bộ ngành, 32 bệnh viện thành phố, 19 bệnh viện quận huyện và TP Thủ Đức, 66 bệnh viện tư nhân và 22 trung tâm y tế tuyến quận huyện. Số lượng các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ KHCN của đơn vị triển khai thực hiện hàng năm rất lớn, trung bình từ 1.500 đến 2.000 đề tài.
Hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn như chưa có cơ sở dữ liệu quản lý thống nhất trong ngành, các biểu mẫu của các đơn vị đều có thiết kế riêng. Hay việc ứng dụng các sáng kiến, đề tài nghiên cứu sau khi được công nhận, nghiệm thu cũng là một vấn đề đáng quan tâm vì không có số liệu minh chứng. Chưa có kết nối giữa khối y tế công và tư, các hội khoa học cũng hoạt động hơi độc lập, chưa có sự chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị…
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định, các hoạt động KHCN trong ngành y tế là rất quan trọng, phát triển mạnh ở TPHCM, có thể kể đến như các thủ thuật mới, phương pháp điều trị y học, thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật, phương pháp mới… Tuy nhiên, mỗi đơn vị sẽ xây dựng quy trình quản lý riêng liên quan đến các ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học. Thực tế hiện nay, việc nghiệm thu các công trình đơn vị phải thực hiện thủ công, phê duyệt hồ sơ giấy, nhiều công trình nghiên cứu có sự trùng lặp, rất khó phát hiện.
Thông qua sự kiện, Sở Y tế TPHCM mong muốn tìm ra các giải pháp để giải quyết một số khó khăn còn tồn tại như liên thông dữ liệu định danh, quản lý và chia sẻ dữ liệu. Bên cạnh đó, việc áp dụng KHCN sẽ là cơ hội để kết nối với các hội đồng chuyên ngành, các trường đại học, hệ thống y tế tư nhân…