Chuyển đổi số để phụng sự người dân - Bài 3: Làm du lịch thông minh thời công nghệ số

Chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh được xem là yếu tố then chốt thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển theo hướng linh hoạt và bền vững trong bối cảnh mới.

Du khách trải nghiệm phiên bản nâng cấp của dự án "Một chạm đến Đà Nẵng". Ảnh: XUÂN QUỲNH
Du khách trải nghiệm phiên bản nâng cấp của dự án "Một chạm đến Đà Nẵng". Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nhiều sản phẩm du lịch số

Tại triển lãm và diễn đàn công nghệ đổi mới sáng tạo lĩnh vực khách sạn tổ chức ở Đà Nẵng hồi cuối tháng 9 vừa qua, các doanh nghiệp đã đưa nhiều robot phục vụ trình diễn đã gây ấn tượng đặc biệt cho quan khách, đại biểu tham dự.

Trên khán đài, một robot "lễ tân" trong trang phục nón lá, áo dài cổ phục tương tác với người dẫn chương trình. Robot này thực hiện các động tác chào đón khách một cách thành thục, chuyên nghiệp.

Tự giới thiệu với hơn 2.000 doanh nhân, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, CEO trong ngành Horeca (Hotels, Restaurants and Catering - khách sạn, nhà hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống) tham dự sự kiện, robot cho biết tên mình là Ms Ariyana vừa mới đến TP biển Đà Nẵng xinh đẹp cách đây 3 ngày và là nhân viên chính thức của Cung hội quốc tế Ariyana Đà Nẵng mà không cần qua thời gian thử việc.

Trong không gian trưng bày, một mẫu robot phục vụ khác cũng đon đả như một nhân viên mẫn cán, phục vụ đồ ăn, nước uống cho quan khách.

Ông Hồ Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý khách sạn Tam Tam (Đà Nẵng) cho biết, đây là robot phục vụ trong khách sạn. Dựa trên lập trình sẵn, robot có thể mang đồ ăn, nước uống và dụng cụ tới tận các vị trí theo yêu cầu. Quanh robot có các cảm biến nên sẽ tự điều hướng hành trình, tự động tránh khi gặp vật cản.

z5859451238518_f6bb548aab974abf9b90a030dcea7b3a.jpg
Robot lễ tân, phục vụ đồ ăn tại diễn đàn công nghệ ngành khách sạn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Không dừng lại ở đó, Đà Nẵng liên tục cho ra mắt các sản phẩm du lịch số ấn tượng. Trong đó, dự án VR360 – “Một chạm đến Đà Nẵng” chính là sản phẩm du lịch thành phố với nhiều tính năng ưu việt như: các điểm ảnh “360 độ” sống động được đặt tại các vị trí, địa danh nổi tiếng của Đà Nẵng; thuyết minh tự động bằng 2 ngôn ngữ Anh – Việt, tính năng chat trực tiếp với Trung tâm hỗ trợ du khách…

Thời gian hoạt động, Đà Nẵng không ngừng nâng cấp phiên bản, mở rộng điểm quét tại hầu hết các điểm đến của Đà Nẵng đồng thời bổ sung, phát triển thêm tính năng VR360 video,…

Đã từng thưởng ngoạn TP Đà Nẵng qua ứng dụng "Một chạm đến Đà Nẵng", chị Lê Thị Hà (SN 1988, người Hà Nội) cho hay, các điểm nhấn về du lịch thành phố được thu gọn vào trong máy tính, điện thoại, qua những cái click chuột. Thật tuyệt vời khi được đi du lịch một vài điểm trước khi đặt chân đến các điểm đến. Đi cùng với hình ảnh là giọng thuyết minh rất sinh động.

Bai bien đêm Mỹ An.JPG
Giao diện bãi biển Mỹ An tại ứng dụng VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng”. Ảnh chụp màn hình

Hay thay vì để khách đặt món bằng thực đơn thông thường, nhiều nhà hàng Đà Nẵng đã xây dựng thực đơn điện tử bằng cách quét mã QR. Ngoài thực đơn bằng tiếng Việt, nhà hàng đã cập nhật bằng nhiều ngôn ngữ để có thể dễ dàng phục vụ với tất cả du khách.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú đầu tư các phần mềm đặt phòng, đặt dịch vụ qua các website đặt phòng trực tuyến.

Cơ hội từ nền tảng số

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang tiệm cận xu hướng chung về chuyển đổi số nhưng cũng đã có những chuyển biến rõ rệt. Thành quả nổi bật nhất là từ chỗ phải tìm đến các đơn vị dịch vụ, thì nay du khách được tiếp cận dễ dàng hơn qua các kênh mạng xã hội, trợ lý ảo. Chuyển đổi số hiện nay quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, bắt buộc doanh nghiệp phải tiếp cận và làm chủ công nghệ thì mới tồn tại được.

Quan trọng nhất, du khách được hưởng lợi trực tiếp, có quyền so sánh lựa chọn sản phẩm với đầy đủ thông tin, hình ảnh, thực tế ảo, trải nghiệm trước để hình dung rõ ràng về tour tuyến, được cung cấp các kênh để phản ánh với cơ quan chức năng các vấn đề phát sinh, được đánh giá, bình chọn đơn vị uy tín, từ đó chất lượng du lịch ngày càng được cải thiện.

Tuy công nghệ mang lại những tiện ích nhưng con người vẫn đóng vai trò quan trọng, là chủ thể hưởng lợi cũng là chủ thể quản lý.

“Gần như khách sạn Đà Nẵng đã biết sử dụng công nghệ, ứng dụng công nghệ số trong tất cả hoạt động kinh doanh, quản lý của đơn vị. Hai năm gần đây, chúng tôi liên tục tổ chức tập huấn, hội thảo ứng dụng chat GPT vào việc lập kế hoạch, vận hành doanh nghiệp, sử dụng công nghệ trong mạng xã hội,… Tuy vậy, sau Covid-19, nhiều đơn vị khách sạn chưa có nhiều tiềm lực đầu tư về công nghệ bởi chi phí đầu tư không phải rẻ…”, ông Nguyễn Đức Quỳnh nói.

460578662_958223806350016_6246789995012401804_n.jpg
Chuyển đổi số thúc đẩy du lịch thông minh tại Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch Đà Nẵng đã xây dựng và trình UBND TP Đà Nẵng ban hành Khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành du lịch. Đây được coi là nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch số và là định hướng kỹ thuật để phát triển các ứng dụng, cho phép tích hợp, chia sẻ và kết nối với các hệ thống thuộc thành phố thông minh.

Đến nay, Sở Du lịch đã triển khai tổng cộng 26/26 (tỷ lệ 100%) dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho phép các tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến.

Với việc số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính, sở đã sử dụng dữ liệu số về đăng ký doanh nghiệp để cắt giảm thành phần hồ sơ phải nộp đối với 7 thủ tục hành chính; sử dụng dữ liệu số để giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính ngay trong ngày đối với 4 thủ tục hành chính (giảm từ 5 ngày xuống còn 1 ngày) liên quan đến cấp đổi, cấp lại giấy phép lữ hành nội địa, giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại TP Đà Nẵng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.

Sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm thông tin khai báo trên tờ đơn trực tuyến đối với thủ tục hành chính.

Ngành Du lịch Đà Nẵng cũng đã ứng dụng công nghệ AI thí điểm xây dựng hệ thống giám sát du lịch bằng camera tại 3 khu điểm du lịch: Bảo tàng Đà Nẵng, Chùa Linh ứng Sơn Trà và Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn từ nhận dạng, giám sát hướng dẫn viên du lịch, các đối tượng trộm cắp, rác thải, bán hàng rong, đếm khách...

Trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, ngành Du lịch thành phố cũng đã hoàn thành Cổng thông tin và ứng dụng di động DanangFantasiticity theo hướng tất cả ứng dụng trong một ứng dụng tại địa chỉ https://danangfantasticity.com/, hình thành hệ sinh thái du lịch số nhằm hỗ trợ du khách trước, trong và sau khi đến TP Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, đã đưa vào hoạt động ứng dụng chatbot để hỗ trợ du khách tìm hiểu về địa phương, phát triển đồng loạt các kênh mạng xã hội để truyền thông, quảng bá du lịch Đà Nẵng.

Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm tăng trải nghiệm của du khách cũng được ngành Du lịch thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan tích cực triển khai như thuyết minh tự động (audio guide), công nghệ scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng; xây dựng bản đồ số ẩm thực du lịch; tour du lịch ảo TP Đà nẵng thông qua công nghệ thực tế ảo VR360 “Một chạm đến Đà nẵng” tại hơn 500 điểm quét các điểm tham quan trên địa bàn thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập.

Năm 2024, ngành du lịch cũng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, trong đó chú trọng đến xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch, gia tăng trải nghiệm của du khách và hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

“Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong hoạt động du lịch dựa trên 3 trụ cột chính là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tiếp tục sử dụng dữ liệu số để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; làm cơ sở để phối hợp, liên kết, hợp tác với các đơn vị đưa các ứng dụng, nền tảng vào hoạt động để hình thành hệ sinh thái số trong lĩnh vực du lịch. Việc xây dựng cổng thông tin du lịch theo hướng tất cả ứng dụng hỗ trợ du khách trong một ứng dụng”, ông Tán Văn Vương chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục