Chuyển đổi số để phụng sự người dân - Bài 2: Xây dựng trường học số để nâng cao chất lượng

Chuyển đổi số đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực tạo ra cuộc cách mạng về năng suất lao động, văn hóa tổ chức và làm thay đổi thói quen, cuộc sống của mỗi người. Không nằm ngoài dòng chảy đó, ngành giáo dục Đà Nẵng nhiều năm qua ứng dụng CNTT vào các hoạt động dạy - học, đặt nền tảng để số hóa trường học nhằm nâng cao chất lượng dạy - học và quản trị nhà trường.

Các lớp học của Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được trang bị máy tính, máy chiếu, thuận lợi trong triển khai hoạt động dạy học cho học sinh
Các lớp học của Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được trang bị máy tính, máy chiếu, thuận lợi trong triển khai hoạt động dạy học cho học sinh

Chuyển đổi số "rục rịch" vào trường học

Trong một tiết học của cô và trò Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (huyện Hòa Vang), thay vì học theo kiểu truyền thống, các em học sinh cùng thầy cô cùng tham gia các hoạt động giáo dục cũng như trải nghiệm trên máy tính kết nối mạng internet.

Không chỉ vậy, cô giáo có thể tích hợp nhiều hình ảnh, video, âm thanh sống động, thú vị hoặc thiết kế các bài tập nhỏ, trò chơi trắc nghiệm, hỏi đáp đúng - sai đan xen trong giờ học. Nhờ đó, các tiết học trở nên sinh động, thầy - trò vừa cùng nhau truyền tải kiến thức, vừa sáng tạo những trò chơi, tạo hứng thú cho học sinh.

Theo cô Lê Thị Vâng, Hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (huyện Hòa Vang), 100% các lớp học được các thiết bị công nghệ thông tin như smart tivi, máy tính kết nối mạng internet… Ngay từ đầu năm, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số như phòng Bộ môn thống nhất file giáo án điện tử “chung” sau đó từng cô giáo thiết kế bài giảng của riêng mình sao cho phù hợp.

Đến giờ dạy, giáo viên chỉ cần truy cập mạng, tải giáo án xuống máy tính và mở ra dạy. Nhờ vậy, giáo viên đỡ vất vả trong việc mang dụng cụ dạy học, giáo án giấy lên lớp, nhất là với các môn cần sử dụng nhiều mô hình dạy học, dụng cụ thí nghiệm… như: Sinh học, Vật lý, Hóa học.

DSC08085.JPG
Những tiết học đầy sôi động, tăng sự tương tác giữa cô và trò. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tương tự, tại Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương (huyện Hòa Vang), cô Phạm Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm tổ 4,5 cho biết, với học sinh nhỏ thì độ quan sát trực quan rất tốt, vì vậy khi ứng dụng công nghệ, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin sẽ kích thích khả năng nhìn – nghe của các em. Điều này giúp những các em tương tác với bài học một cách tốt hơn như khơi gợi trí tò mò, khả năng tưởng tượng, kích thích tư duy khám phá và từ đó dần hình thành niềm đam mê đối với bài học.

Tuy vậy, theo ghi nhận, các dữ liệu tham khảo số có nhiều nguồn khác nhau như: sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng thí nghiệm... nên nhà trường, thầy cô mất thời gian trong việc chọn lọc thiết kế bài học sao cho tối ưu nhất. Muốn vậy, phải có những người đi tiên phong để tìm ra ưu - nhược điểm khi áp dụng nguồn dữ liệu này từ đó mới có thể chọn lựa, tránh sự lãng phí chung.

Tư duy số, năng lực số là điều kiện tiên quyết

Theo ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang, địa phương đã triển khai việc ký số học bạ, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục cho các trường tiểu học, THCS.

Đối các trường học sử dụng phần mềm quản lý điểm, quản lý trường học của các nhà cung cấp dịch vụ khác hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT mở rộng thì nhà trường rà soát, kiểm tra và chịu trách nhiệm kết quả đồng bộ dữ liệu.

Bên cạnh đó, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ đồng bộ chính xác, đầy đủ các thông tin để phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng, nhất là dữ liệu đủ để sinh ra học bạ, sổ theo dõi và đánh giá để ký số điện tử trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT mở rộng, dữ liệu phục vụ công tác xét tốt nghiệp, tuyển sinh đầu cấp.

DSC08072.JPG
Tiết học của cô và trò sôi động hơn khi các em thuyết trình bài học thông qua smart tivi. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Các trường học đã có sự thay đổi rõ nét về việc triển khai sử dụng các giải pháp kết nối, trao đổi thông tin trong công tác quản lý cũng như trong việc dạy – học. Đến nay, 100% học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS đã có mã định danh cá nhân; triển khai sổ điểm, sổ theo dõi, đánh giá điện tử và học bạ điện tử; triển khai giải pháp kết nối, trao đổi thông tin với phụ huynh qua hình thức tin nhắn OTT, email, website hoặc ứng dụng mạng xã hội. Toàn bộ cán bộ quản lý và thầy cô được cấp chữ ký số và email công vụ.

13d.jpg
Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Trang bị năng lực số dành cho cán bộ quản lý giáo dục”. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Phạm Tấn Ngọc Thụy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, mục tiêu chung của chuyển đổi số giáo dục là thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ trong phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho mọi người dân.

Để thúc đẩy chuyển đổi số ở trường học thì việc đầu tiên làm không phải là công nghệ mà đó là phải thay đổi cách thức và tư duy về việc quản lý trường học, cách dạy, cách định nghĩa lại chúng ta đang làm gì ở môi trường giáo dục. Muốn thúc đẩy chuyển đổi số ở trường hiệu quả thì những từ lãnh đạo, cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh phải có tư duy số. Đồng thời, tất cả mọi người phải có năng lực số mới có thể thích ứng hiệu quả với môi trường số.

Các thầy cô trước hết được tập huấn, rèn kỹ năng thiết kế và xây dựng bài giảng số tương tác, tiêu chuẩn và cách thức xây dựng học liệu số trong phương pháp giảng dạy hiện đại, chuyển đổi số trong dạy học, trong kiểm tra đánh giá, đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và xây dựng học liệu số, xây dựng, vận hành trường học số…

Tin cùng chuyên mục