Chuyển đổi số để phụng sự người dân - Bài 1: Con người là trung tâm

LTS: Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, yêu cầu hàng đầu trong quá trình phát triển. Chuyển đổi số không chỉ nhằm hướng đến một nền kinh tế, xã hội số mà cái đích phải là đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, phụng sự người dân. Thời gian qua, chuyển đổi số ở Đà Nẵng đã có những chuyển biến mạnh mẽ không chỉ ở khu vực công mà còn lan mạnh ra khu vực tư, đến từng địa phương, cơ sở và đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống.

Trung tâm Hành chính Đà Nẵng - nơi làm việc của các sở, ngành. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Trung tâm Hành chính Đà Nẵng - nơi làm việc của các sở, ngành. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Quan điểm xuyên suốt của Đà Nẵng là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Tặng điện thoại, lắp wifi miễn phí

Mới đây, UBND quận Hải Châu và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội chi nhánh Đà Nẵng (Viettel Đà Nẵng) phối hợp trao 30 điện thoại di động thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mỗi chiếc điện thoại trị giá 2 triệu đồng.

Theo ông Trần Văn Long, người dân trú phường Phước Ninh (quận Hải Châu), điện thoại này giúp ông và người thân kết nối các thủ tục một cách nhanh gọn mà không cần phải lên UBND phường như trước. Điện thoại có đầy đủ các chức năng giúp ích trong tiếp cận thông tin và các ứng dụng công nghệ.

457355875-1021458043318670-6187631339919905623-n-6946.jpg
Trao điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo tại quận Hải Châu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Không chỉ vậy, để giúp người dân truy cập và sử dụng internet thuận tiện, UBND quận Hải Châu triển khai lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, công viên, vườn dạo tại 13 phường trên toàn quận.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng tập huấn, hướng dẫn người dân, nhất là người lớn tuổi cách sử dụng các ứng dụng số và mạng xã hội an toàn, hiệu quả thông qua các mô hình như mô hình “Smartphone và internet - Dễ dàng và an toàn”.

Theo bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, thông qua các mô hình, địa phương tạo điều kiện hướng dẫn và nâng cao kỹ năng công nghệ cho người dân, nhất là người cao tuổi, giúp họ tiếp cận công nghệ thành thạo. Đây là nền tảng để xây dựng công dân số.

Điều này đúng định hướng mà TP Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng mỗi công dân đều có danh tính số, tài khoản số, chữ ký số để sử dụng trong các giao dịch trực tuyến. Việc lắp đặt wifi giúp người dân khi tham gia họp tại nhà sinh hoạt cộng đồng thì có thể sử dụng điện thoại thông minh để tải và xem văn bản pháp luật Nhà nước cũng như góp ý về công tác quản lý chính quyền.

z5863338467513_9e2a5887f805ca8b350cc4300b80d455.jpg
Hoạt động góp phần tạo điều kiện hướng dẫn và nâng cao kỹ năng công nghệ cho người dân nhất là người cao tuổi. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Không chỉ vậy, các mô hình tại địa phương vẫn lấy người dân là trung tâm cải cách thủ tục hành chính.

Từ năm 2019, quận Hải Châu triển khai thí điểm mô hình Khu dân cư điện tử tại phường Thạch Thang, Hải Châu I và Nam Dương. Mô hình được tổ chức như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại quận, phường.

Điểm khác biệt là việc tổ chức này tại khu dân cư - nơi mà người dân trực tiếp sinh sống, đi lại. Điều này tạo thuận lợi giúp người dân tương tác dễ dàng, tránh trường hợp tập trung đông người, chờ đợi, xếp hàng tại khu vực một cửa.

Chỉ trong thời gian ngắn sau thí điểm, quận Hải Châu đã triển khai mô hình tới 13/13 phường.

Theo ông Trần Ngọc Thạnh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, hiện nay các hoạt động từ việc nhỏ đến lớn, người dân dần có thói quen sử dụng thanh toán không tiền mặt. Việc tương tác, giao dịch linh hoạt không cần gặp mặt trực tiếp. Đặc biệt, việc chuyển đổi số thể hiện rõ nhất vẫn là thông qua sử dụng dịch vụ công trực tuyến của chính quyền.

Xây dựng Chính phủ số

Theo báo cáo Bộ TT-TT, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tính đến tháng 7-2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95% (trung bình tỉnh thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh thành là 17%).

Tỷ lệ số hóa, cấp kết quả thủ tục hành chính số đạt 64% tính đến thời điểm hiện tại, trong đó 100% kết quả mới (năm 2023 và đến 7-2024) đã được số hóa đưa vào Kho kết quả thủ tục hành chính.

Gần 260.000 người dân trưởng thành có tài khoản công dân số và 1 kho dữ liệu số trên Hệ thống chính quyền, đạt tỷ lệ khoảng 50%.

qqq.png
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ về chuyển đổi số của địa phương. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết, Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá liên quan đến chuyển đổi số.

Theo đó, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”. Trong đó, “Chính quyền là tiên phong”, “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm” và cung cấp dịch vụ công xem là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền.

Bắt đầu từ năm 2019, lãnh đạo Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan triển khai giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng, giảm thời gian xử lý đến 50% đối với dịch vụ công trực tuyến so với xử lý hồ sơ trực tiếp; yêu cầu các cơ quan Nhà nước phải sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan khác; giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến cho từng cơ quan.

Đến nay, các cơ quan, địa phương đã triển khai chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ đối với dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 128 thủ tục hành chính chiếm 7% thủ tục hành chính được giải quyết trong ngày.

Đặc biệt, Đà Nẵng đã triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức cao nhất) cho nhiều thủ tục hành chính. Hệ thống đã kết nối với nền tảng công dân số, kho kết quả thủ tục hành chính số và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để sử dụng dữ liệu số, triển khai được nhiều dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt 95% trong tổng số thủ tục hành chính.

Cùng với đó, Đà Nẵng cũng đa dạng hóa kênh/đối tượng nộp hồ sơ trực tuyến, không chỉ các cơ quan, địa phương phải sử dụng dịch vụ công trực tuyến, còn huy động doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến; triển khai mô hình "đại lý dịch vụ công trực tuyến" hay bưu điện/bưu cục nhận, nộp hồ sơ trực tuyến thay người dân, doanh nghiệp (hiện nay đang hỗ trợ, không thu phí); triển khai mô hình tổ công nghệ số cộng đồng, "thôn/tổ điện tử", "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả theo hướng cụ thể, hiệu quả…

Đà Nẵng là địa phương đi đầu về xây dựng Chính phủ số. Chuyển đổi số có 3 trụ cột gồm: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Về xây dựng Chính phủ số, có nhiều địa phương triển khai tích cực, song Đà Nẵng là địa phương có những hiệu quả nổi bật

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tin cùng chuyên mục