Chuyển đổi số cho ổi

Chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR trên tem dán, thông tin Ổi VietGAP Hương Xuân sẽ hiện lên đầy đủ, khẳng định thương hiệu, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, nhờ đó, không còn tình trạng “được mùa, mất giá”.
Các nhà khoa học hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc ổi theo tiêu chuẩn VietGAP
Các nhà khoa học hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc ổi theo tiêu chuẩn VietGAP

Thu nhập gấp 10 lần so với trồng lúa

Vùng đất trồng lúa ở Tây Xuân, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế sau nhiều chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã hình thành nên vựa ổi lớn nhất miền Trung.

Vừa dẫn khách tham quan vườn ổi trái sai lúc lỉu chen trong màu hoa trắng và cành lá xanh mướt, ông Phạm Viết Hồng, phường Hương Xuân vừa tự hào giới thiệu về gốc gác cây ổi quê mình.

Ông bảo, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông Huỳnh Thế Hối (ở làng An Đô, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà), lúc đó là cán bộ Ban Kinh tế mới huyện Hương Điền đi công tác miền Nam mang về mấy trái ổi bom làm quà. Ai ăn cũng khen, ổi có vị thơm ngon, ngọt, giòn nên ông Hối lấy hạt nhân gống, trồng trong vườn nhà. Cũng từ đó, giống ổi có xuất xứ, nguồn gốc từ miền Nam “bén duyên” và dần trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo trên vùng đất Hương Xuân từ đó đến nay.

Cây trồng xóa đói giảm nghèo trên vùng đất Hương Xuân

Cây trồng xóa đói giảm nghèo trên vùng đất Hương Xuân

Toàn phường Hương Xuân hiện có hơn 200 hộ trồng ổi với diện tích trên 45ha, tập trung ở các tổ dân phố Trung Thôn, Xuân Tháp, Thượng Khê, Liễu Nam. Tuy nhiên, bà con canh tác, chăm sóc theo hướng tự phát, dựa vào kinh nghiệm nên việc quy hoạch khu vực trồng ổi không đảm bảo, chưa phát huy được thế mạnh.

Chị Phạm Thị Ngọc Huế, Bí thư Thị đoàn Hương Trà cho biết, nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật từ đội ngũ khoa học đến người nông dân, nâng cao hiệu quả kỹ thuật, phát triển cây ổi theo hướng sản phẩm hàng hóa an toàn, bền vững nên từ đầu năm 2021, Thị đoàn Hương Trà cùng Phòng Kinh tế thị xã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế thực hiện khảo sát, điều tra thực trạng để xây dựng, triển khai dự án “Xây dựng mô hình VietGap và hoàn thiện sản phẩm Ổi Hương Xuân”.

Điểm nhấn của dự án là quá trình canh tác, các nhà khoa học hướng dẫn người làm vườn giữ lại lớp cỏ bên dưới vườn ổi để chống xói mòn đất và đảm bảo nhiệt độ đất; đồng thời tạo môi trường ẩn nấp cho các loài thiên địch có lợi cho cây ổi, nâng cao đa dạng sinh học trong vườn cây nên mọi người đến thăm vườn có thể hái ổi ăn ngay tại vườn.

Qua đó, ổi Hương Xuân từng bước khẳng định thương hiệu, được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap; tham gia các hội chợ thương mại, các cửa hàng thực phẩm sạch trong, ngoài tỉnh và đem lại thu nhập đáng kể cho bà con với giá Ổi VietGap Hương Xuân bán ngay tại vườn ổn định ở mức 25.000 đồng/kg, thu nhập từ cây trồng này cao gấp 10 lần so với trồng lúa trên cùng một diện tích và không bị thương lái ép giá như trước đây.

Ổi VietGAP Hương Xuân cho thu nhập gấp 10 lần so với trồng lúa nước
Ổi VietGAP Hương Xuân cho thu nhập gấp 10 lần so với trồng lúa nước

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Dự án “Xây dựng mô hình VietGap và hoàn thiện sản phẩm Ổi Hương Xuân” được phê duyệt, với sự xung kích của tuổi trẻ tham gia chuyển đổi số cho người dân, Thị đoàn Hương Trà đã cùng với Phòng Kinh tế thị xã; các chuyên gia, các nhà khoa học Trường Đại học Nông Lâm Huế và các Hội nông dân phường lập tức về cơ sở giúp bà con thành lập Tổ hợp tác sản xuất Ổi Hương Xuân.

Qua đó, tổ chức các lớp tập huấn để người trồng ổi cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu hóa các nguồn lực, cam kết sản phẩm sạch và xanh, bảo vệ người tiêu dùng, an toàn cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến chuyển đổi số cho ổi, tạo tiền đề xây dựng quy trình chuyển đổi số cho nhiều loại cây trồng khác.

Ổi VietGAP Hương Xuân lên sàn thương mại điện tử
Ổi VietGAP Hương Xuân lên sàn thương mại điện tử

Ông Nguyễn Tiến Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hương Xuân chia sẻ, ban đầu khi nhắc đến chuyện chuyển đổi số cho ổi, ai cũng nghĩ to tát, nhưng thật ra, hãy làm từ những điều gần gũi hằng ngày. Toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm của mô hình này thực hiện theo hướng an toàn, hạn chế việc sử dụng các loại phân vô cơ. Việc phòng trừ sâu bệnh thực hiện bằng biện pháp sinh học.

Tất cả các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào sản xuất được cập nhật trên trang web Ổi sạch Hương Xuân. Sản phẩm xuất ra thị trường đều có tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có thể biết thông tin sản phẩm gồm: nguồn gốc, nhật ký sản xuất, video toàn bộ quá trình sản xuất.

Đây là bước khởi đầu giúp nông dân tiếp cận với chuyển đổi số cho nhiều loại cây trồng khác, đảm bảo sản phẩm được tiếp cận trực tiếp với khách hàng.

Để người làm vườn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và cung ứng sản phẩm nông sản sạch, các đoàn thể phường Hương Xuân vừa phối hợp với phòng giao dịch ngân hàng về tận nhà, chỉ tận tay, định hướng cho bà con trồng ổi tạo tài khoản Zalo tham gia nhóm tư vấn ổi để hướng dẫn bà con cách đăng ký số lượng ổi dự kiến bán trong tuần, trong tháng trước khi lên sàn thương mại điện tử và tạo tài khoản ngân hàng để khi ổi bán trên sàn thương mại điện tử là tiền về tài khoản bà con.

Chỉ dẫn địa lý vườn Ổi VietGAP Hương Xuân lên Google Map để mọi người có thể checkin, tham quan trải nghiệm. Vận động mọi người xây dựng thương hiệu Ổi VietGAP với tiêu chí môi trường và an toàn chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu trước khi đến tay người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục