Mỗi nơi một cách làm
Thành phố Đà Nẵng xác định chuyển đổi số nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội và sản xuất - kinh doanh, kết hợp với ứng dụng công nghệ số để tạo ra các dịch vụ mới, mang lại giá trị mới. Từ tháng 8-2023, Đà Nẵng đưa vào vận hành, khai thác Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh (IOC) và các Trung tâm điều hành quận huyện (OC), từ đó đưa ra 140 loại số liệu thống kê, biểu đồ trực quan và 50 loại cảnh báo, dự báo sớm.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng, cho biết, Đà Nẵng đã đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, với tổng số 1.797 dịch vụ công trực tuyến, chiếm tỷ lệ 93,54% tổng số thủ tục hành chính…
Trong chuyển đổi số, TPHCM với chiến lược dữ liệu số đã mang đến nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sở TT-TT TPHCM đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận hành nền tảng chia sẻ dữ liệu và dịch vụ bản đồ số thành phố; đồng thời kết nối, chia sẻ dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phòng chống vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản.
Đến nay, TPHCM đã hoàn thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố tập trung, ban hành 600 dịch vụ công trực tuyến và hệ thống này đã thiết lập cấu hình 617/740 dịch vụ công trực tuyến.
Riêng TP Hà Nội được Chính phủ giao triển khai mô hình quận, huyện chuyển đổi số điển hình và chuyển đổi số gắn liền xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gồm 55 chỉ tiêu, 201 nhiệm vụ.
“Sở TT-TT Hà Nội đã thúc đẩy các quận, huyện, thị xã cùng mạnh dạn đề xuất, phát động các mô hình thí điểm chuyển đổi số tại địa phương”, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội, chia sẻ.
Phục vụ đời sống tốt hơn
Với chiến lược dữ liệu số, công tác chuyển đổi số của TPHCM ngày càng tăng tốc và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, thông tin, TPHCM đặt mục tiêu dữ liệu số đến năm 2025: 100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất trên địa bàn thành phố nhằm duy trì, cập nhật, khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị; hoàn thành tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, dữ liệu về an sinh, dữ liệu về thành lập, tình hình hoạt động doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể… Trong khi đó, TP Hà Nội xác định chuyển đổi số gắn chặt với phát triển thành phố thông minh.
“Mô hình thành phố thông minh bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân; xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp…”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết. Bằng chuyển đổi số, các địa phương đã gặt hái những kết quả ban đầu. Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, hiện đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia thực hiện nhiệm vụ trung tâm của chương trình là phát triển kinh tế - xã hội.
“Năm 2024 sẽ là năm ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo. Năm 2024 cũng là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình, phải được làm từ xa, từ nhà của người dân; dịch vụ công toàn trình thực chất phải có ít nhất 70% người dân sử dụng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.