Chuyển đổi số báo chí đòi hỏi phải có cơ chế mới trong việc bồi dưỡng và đào tạo

Đây là đánh giá, nhận định của của nhiều đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Đào tạo báo chí – truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”. Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Báo chí (Bộ TT-TT) tổ chức tại Hà Nội, chiều ngày 5-6. 

Hội thảo này cũng là dịp cung cấp lý luận và thực tiễn về vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ cho thế hệ nhà báo, phóng viên và sinh viên báo chí trên toàn quốc.

anh 1.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta. Điều này đã được khẳng định trong Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", khi Chính phủ đặt ra mục tiêu “100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí”.

Thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí – truyền thông đã sớm tích hợp đưa các nội dung của chuyển đổi số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Các nhà trường đã đổi mới tư duy, phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, đồng bộ, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành; song song với đó là bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.

anh 2.jpg
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Theo các nhận định tại hội thảo, bên cạnh những thành tựu nổi bật, đào tạo báo chí hiện nay còn nhiều bất cập như: chất lượng đào tạo chưa đồng đều giữa các cơ sở đào tạo; đội ngũ cán bộ giảng dạy báo chí của các cơ sở đào tạo hiện còn mỏng, trong đó, không có nhiều cán bộ giảng dạy đã trải nghiệm và có kinh nghiệm làm báo thực tế; cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo ở hầu hết còn thiếu thốn và hạn chế...

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, có 62 bài tham luận của các đại biểu là lãnh đạo, các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí – truyền thông trên cả nước. Các đại biểu bày tỏ sự thống nhất với một số ý kiến cho rằng môi trường truyền thông mới, đặc biệt là việc chuyển đổi số báo chí đòi hỏi phải có cơ chế mới trong việc bồi dưỡng và đào tạo nhà báo.

Các phương tiện truyền thông mới có nhiều tính năng, vừa có chữ viết, âm thanh, vừa có hình ảnh, là sự tổng hợp của tất cả các phương tiện truyền thông truyền thống. Nhà báo số hiện nay phải biết ứng dụng các kỹ thuật truyền thông mới, biết quay phim, viết, xử lý âm thanh, hình ảnh, đồng thời phải nắm bắt các kỹ thuật thông tin hiện đại.

Tin cùng chuyên mục