Tại hội nghị, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) chia sẻ về chuyển đổi số báo chí. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 800 cơ quan báo chí, hơn 40.000 người đang làm các công việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó, 21.000 người được cấp thẻ nhà báo… Nói như vậy để thấy được quy mô và không gian hoạt động báo chí tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, sự xuất hiện và bùng nổ của Internet đã làm thay đổi ngoạn mục báo chí Việt Nam và mới đây là trí tuệ nhân tạo (AI). Bà Thảo nói, trung bình 1 ngày có hơn 1 triệu tin, bài trên báo chí và không gian mạng, trong đó phần lớn là thông tin trên không gian mạng. Từng phút, từng giây, diễn biến đều được cập nhật trên mạng xã hội, mỗi người dân cầm trên tay điện thoại thông minh đã trở thành một “nhà báo công dân”. Như vậy, người dùng đang đón nhận lượng thông tin lớn trên báo chí và không gian mạng. Do vậy, chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu, vừa là cơ hội vừa là thách thức.
Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Tầm nhìn đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; 100% các cơ sở giáo dục chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số; 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên… Phấn đấu đến năm 2030, 100% các cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số.