Chuyển đổi kinh tế số - Bài 2: Động lực phát triển bền vững

Data 61|CSIRO (cơ quan chuyên nghiên cứu về công nghệ số thuộc Tổ chức khoa học quốc gia Australia) cùng với Bộ KH-CN Việt Nam đã công bố báo cáo “Tương lai kinh tế số Việt Nam: Hướng đến năm 2030 - 2045”. 

Báo cáo này nhấn mạnh: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH-CN và ĐMST) là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như nền kinh tế số nói riêng.

Quốc gia năng động về phát triển công nghệ

TS Lucy Cameron, tác giả chính của báo cáo trên, đồng thời là tư vấn nghiên cứu cao cấp tại Data 61|CSIRO, cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và đã trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á.

Data 61|CSIRO đã phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc Bộ KH-CN Việt Nam để xác định các xu thế chủ đạo ảnh hưởng đến tương lai kinh tế số của Việt Nam như: tác động của các công nghệ số mới nổi, thị trường xuất khẩu mới cho Việt Nam, sự phát triển của cơ sở hạ tầng số hiện đại, nhu cầu phát triển thành phố thông minh, sự gia tăng của kỹ năng và dịch vụ số, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

“Làn sóng tiếp theo của các công nghệ số như Trí tuệ nhân tạo - AI, Chuỗi khối - Blockchain, Internet vạn vật - IoT và các dịch vụ dựa trên nền tảng và điện toán đám mây… có tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành nền kinh tế hiệu suất cao tiếp theo của châu Á. Việt Nam cần phải nắm bắt những cơ hội to lớn này, đồng thời hạn chế một số rủi ro”, TS Lucy Cameron nhận định.

Ở góc nhìn khác, ông Lim Choon Teck, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ HP Việt Nam, cho hay đến năm 2030, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đóng góp 62,1 tỷ USD vào GDP Việt Nam, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 16%. Bên cạnh đó, xu hướng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số cũng hứa hẹn mang đến cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam phát triển.

Trong tiến trình hướng đến tương lai, Việt Nam hiện đang ở trên đỉnh cao của giai đoạn phát triển mới. Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ; qua đó, đóng góp vào tiến trình phát triển chung của một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Chuyển đổi kinh tế số - Bài 2: Động lực phát triển bền vững ảnh 1 Viettel phát triển các ứng dụng, dịch vụ số

Theo TS Lucy Cameron, Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số. Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045.

“Tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, chỉ sau Trung Quốc và có nền tảng phù hợp để chuyển đổi số. Về thách thức, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam gặp thách thức về biến đổi khí hậu, sự chậm lại của năng suất lao động, nguồn lực cần thiết”, TS Lucy Cameron nhận định.

Xác định chiến lược quốc gia

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, lĩnh vực ICT là nền tảng và là hạt nhân của chuyển đổi số. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT sẽ góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển; lấy sự phát triển bền vững, tăng trưởng nhanh của ngành làm mục tiêu quản lý.

“Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Công nghệ mới, ĐMST là động lực tạo ra sự phát triển bền vững và bao trùm cho Việt Nam. Nâng cao thứ hạng Việt Nam, bám vào các KPI quốc tế để cải thiện thứ hạng. ICT là nền tảng nên cần phải đi trước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia do Bộ TT-TT đang xây dựng, quá trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ thực hiện 3 giai đoạn: Từ năm 2020 đến hết năm 2022 là giai đoạn tăng tốc, sẽ tập trung đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội và chuyển đổi số cơ quan nhà nước.

Giai đoạn từ năm 2023 đến hết năm 2025 tập trung chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra các nguồn lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp đó, trong giai đoạn chuyển đổi bắt đầu từ năm 2026 đến hết năm 2030, chuyển đổi số Việt Nam sẽ hướng tới phát triển một nền kinh tế số, xã hội số toàn diện.

Mục tiêu của đề án đến năm 2030 là Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, nơi cho phép thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong kinh tế số. Mọi người đều có thể tham gia và không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, cần phải giữ gìn những giá trị cơ bản của con người.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định KH-CN có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Báo cáo tương lai kinh tế số Việt Nam đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh, giúp Việt Nam hoạch định cho sự phát triển kinh tế số của đất nước.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; trong đó, KH-CN và ĐMST nói chung được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Bộ KH-CN CHU NGỌC ANH: Tháo gỡ vướng mắc về thể chế

Để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về KH-CN với pháp luật liên quan.

Cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH-CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam.

Cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH-CN, không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường liên kết giữa viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa…

TS LUCY CAMERON: Xây dựng nền tảng thống nhất kết nối hệ thống ĐMST

Việt Nam phải xây dựng nền tảng thống nhất kết nối hệ thống ĐMST, tận dụng được sức mạnh các bên, tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu, cung cấp hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Việt Nam nên tham gia nhiều diễn đàn trong khu vực, thúc đẩy quỹ đầu tư mạo hiểm; đẩy mạnh quan hệ đối tác về công nghệ và chuyển giao công nghệ; thúc đẩy quan hệ đối tác của chính phủ, khu vực tư nhân… Chúng tôi tin Việt Nam có cơ hội to lớn trong việc tận dụng công nghệ số để có những đột phá trong thời gian tới nhờ lực lượng lao động trẻ. Vị trí trung tâm của khu vực cũng là lợi thế lớn và nếu có định hướng lớn, Việt Nam có thể đạt được tham vọng của mình.


FPT sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm

Chuyển đổi số không chỉ là xu thế công nghệ toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng đến bộ mặt lẫn nền kinh tế mỗi quốc gia. Trong tiến trình này, Tập đoàn FPT (FPT) khẳng định cam kết tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số cho lĩnh vực dịch vụ công và doanh nghiệp.

FPT cũng cho thấy các thế mạnh cốt lõi khi triển khai dịch vụ chuyển đổi số, trong đó, phương pháp tiếp cận với kinh nghiệm nhiều năm hợp tác cùng các tập đoàn hàng đầu thế giới như AWS, Airbus, Siemens, GE… và hơn 3 năm thực hiện chuyển đổi, FPT đã đúc kết và đưa ra phương pháp luận chuyển đổi số mang tên FPT Digital Kaizen, giúp chuyển đổi số đơn giản, hiệu quả và FPT sẵn sàng chia sẻ và chuyển giao cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Thế mạnh thứ hai là FPT đã và đang đầu tư phát triển những sản phẩm chuyển đổi số, giúp tối ưu hóa hoạt động, tăng năng suất lao động, gia tăng trải nghiệm, sáng tạo những mô hình kinh doanh mới. Đặc biệt, FPT sẽ cung cấp miễn phí ứng dụng chuyển đổi số dựa trên các nền tảng và sản phẩm chuyển đổi số như FPT.AI, FPT U-Services, AkaMinds… để giúp rút ngắn thời gian xử lý dịch vụ công và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dân.

Tin cùng chuyên mục