Kinh tế số hiện diện ngày càng rõ nét trong đời sống, khi con người hàng ngày sử dụng các ứng dụng tiện ích, chơi game, data 4G… Các doanh nghiệp (DN) cũng cuốn theo xu thế tạo nền tảng cho các ứng dụng.
Kinh tế số từ đó biến đổi không ngừng qua nhiều hình thức dịch vụ, liên kết trên các nền công nghệ được ứng dụng và tạo ra giá trị thực. Một khái niệm đầy đủ cho kinh tế số vẫn chưa thống nhất, nhưng giá trị thực cho nền kinh tế đã hiện hữu.
Muôn mặt kinh tế số tại Việt Nam
Có thể điểm qua các công ty Việt Nam làm kinh tế số nổi trội hiện nay: Viettel, Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần MISA, Công ty CMC, Công ty cổ phần VNG… và dĩ nhiên đây là các công ty công nghệ, giá trị tạo ra rõ ràng trên các nền tảng số.
Kết quả sau 6 tháng đầu năm 2019 của Viettel cho thấy, doanh thu của viễn thông trong nước tăng 2,9% so với cùng kỳ và đạt 70.000 tỷ đồng, song động lực tăng trưởng chủ yếu của viễn thông trong nước là nguồn thu từ data với “cú hích 4G” (tỷ lệ tăng trưởng data là 17,5% so với cùng kỳ năm 2018).
Việc Viettel thành lập Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cung cấp các dịch vụ thanh toán số và dịch vụ dữ liệu cũng không ngoài mục tiêu hướng đến kinh tế số.
Hay Công ty VNG, theo báo cáo tài chính quý 2-2019 vừa được công bố, doanh thu quý 2 đạt 1.302 tỷ đồng, tăng mạnh 31% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 160 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần tăng mạnh được cho là nhờ sự khởi sắc của mảng kinh doanh truyền thống trò chơi trực tuyến và đà tăng trưởng tích cực của quảng cáo trực tuyến.
Trong năm 2019, VNG tiếp tục tập trung phát triển 4 mảng kinh doanh chính của công ty là trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán - tài chính và dịch vụ đám mây. Trong đó, ví điện tử ZaloPay vẫn sẽ là sản phẩm chiến lược được ưu tiên đầu tư, phát triển. Tại VNG, Zalo là một “thế lực” của kinh tế số khi chính thức có 100 triệu người dùng.
Hiện nay, ứng dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống hàng ngày, cũng như là nền tảng hiệu quả được các cơ quan nhà nước sử dụng để xây dựng chính quyền 4.0.
Không chỉ vậy, quanh môi trường kinh tế, các công ty công nghệ mới ra đời đã khẳng định giá trị của kinh tế số. Ví điện tử MoMo hiện có gần 10 triệu người dùng. Là nền tảng thanh toán di động cũng như thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt, MoMo mang đến hàng ngàn dịch vụ thanh toán, mua sắm chỉ với một chạm.
Để thực hiện việc này, trên nền tảng công nghệ, MoMo phải hợp tác với 10.000 đối tác thanh toán/mua sắm, liên kết trực tiếp 15 ngân hàng lớn và 30 ngân hàng nội địa qua cổng Napas. Qua đó, người dùng MoMo có thể thanh toán mọi tiện ích hàng ngày đã phần nào đó thay thế cho các dịch vụ kinh tế theo kiểu truyền thống.
Ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và IBM đã triển khai thành công hệ thống phân tích tích hợp IBM - IBM Intergrated Analytic System (IIAS) đầu tiên trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Đây là bước nền tảng để OCB tiếp tục đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ số, gia tăng số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ trên các nền tảng ứng dụng… tức sẽ tạo ra giá trị lớn hơn từ nền tảng số.
Tìm “khái niệm” toàn diện
Sự chuyển động tích cực của các công ty ứng dụng công nghệ, các công ty công nghệ nói trên không chỉ cho thấy giá trị của kinh tế số mà còn cho thấy rất nhiều hình thức nhìn về kinh tế số, đến nỗi cần phải có những khái niệm bao quát và đầy đủ hơn để luật hóa và có cơ chế quản lý phù hợp.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho rằng, cần hiểu cặn kẽ về khái niệm kinh tế số để tránh nhầm lẫn. Theo ông, “kinh tế số” là một phần của nền kinh tế, trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho DN.
Điểm khác biệt lớn nhất hiện nay trong phát triển kinh tế số là sự hội tụ loạt công nghệ mới (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...) trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ mới cho phép DN xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, phân tích dữ liệu lớn tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động.
Trong nền kinh tế số, các DN sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng. Người ta cũng có thể sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới như Grab, Uber, AirBnb…
Có lẽ vì thế, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam hồi đầu tháng 5-2019 ở Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam”.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, những con số hấp dẫn ấy không thể phủ nhận thực tế là hiện khái niệm “kinh tế số” ở Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi và cần được xác định lại.
Trả lời câu hỏi “Thách thức của Việt Nam trong sự phát triển kinh tế số là gì?”, ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho rằng thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là khoảng cách giữa hoạch định và triển khai chính sách trong thực tế cuộc sống.
Còn ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC, nhận định chính sách phát triển kinh tế số của Việt Nam đang chậm so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Mặt khác, hạ tầng kinh tế số không phát triển sẽ gây ảnh hưởng chung tới nền tảng phát triển kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là những vấn đề phải tính đến và sớm có giải pháp toàn diện, triệt để thì kinh tế số mới phát triển như kỳ vọng.
Báo cáo Tương lai kinh tế số Việt Nam hướng đến năm 2030, 2045 đã đưa ra các kịch bản: Kịch bản truyền thống: - Cho đến năm 2045, công nghệ số dự kiến đóng góp 196 tỷ USD vào GDP tính theo giá so sánh năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương PPP (61 tỷ USD theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân). - Chuyển đổi số thấp, ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) phát triển chậm. Kịch bản xuất khẩu số: - Cho đến năm 2045, công nghệ số dự kiến đóng góp 331 tỷ USD vào GDP tính theo giá năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương PPP (103 tỷ USD theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân). - Ngành CNTT-TT phát triển nhanh chủ yếu dựa trên hoạt động gia công xuất khẩu, ứng dụng số trong các ngành còn hạn chế. Kịch bản tiêu dùng số: - Cho đến năm 2045, công nghệ số dự kiến đóng góp 216 tỷ USD vào GDP tính theo giá năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương PPP (67 tỷ USD theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân). - Chuyển đổi số mạnh mẽ trong các ngành trong nước nhưng chủ yếu sử dụng sản phẩm CNTT-TT của nước khác, ngành CNTT-TT trong nước phát triển chậm. Kịch bản chuyển đổi số: - Cho đến năm 2045, công nghệ số dự kiến đóng góp 544 tỷ USD vào GDP tính theo giá năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương PPP (169 tỷ USD theo giá so sánh 2005 và tỷ giá hối đoái bình quân) - Ứng dụng công nghệ số cao trong toàn bộ nền kinh tế và ngành CNTT-TT tăng trưởng mạnh. |