HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI HỮU NGHỊ TPHCM LẦN THỨ 2:

Chuyển đổi công nghiệp - hành trình cần sự đồng hành, hợp tác quốc tế

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TPHCM lần thứ 5-2024, sáng 24-9, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Đối thoại Hữu nghị TPHCM lần thứ 2 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác”. Tham dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; cùng trên 35 đoàn địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TPHCM.

Nhu cầu của thành phố, trợ lực từ bè bạn

TPHCM chọn chủ đề cho Hội nghị Đối thoại hữu nghị năm nay là “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác” xuất phát từ thực tế chuyển đổi công nghiệp không chỉ là lựa chọn mà còn là yêu cầu cấp thiết đối với TPHCM và các đô thị trên toàn thế giới.

Y1b.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của thành phố. Mục tiêu của TPHCM là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030. Qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực, duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Để đạt được các mục tiêu đặt ra, TPHCM đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.

Dẫn chứng một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chỉ ra “khoảng 60% các sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cả trong và ngoài nước”, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng dù đó là việc chuyển giao công nghệ, đầu tư vào hạ tầng xanh và kỹ thuật số, hay thúc đẩy liên kết, liên doanh trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, chúng ta đều có rất nhiều cơ hội để hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững.

“Hiện TPHCM đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Theo đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả mong muốn là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chia sẻ sự đồng hành phát triển bền vững của Việt Nam và TPHCM, ông Komura Masahiro, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết, sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội Nhật Bản. Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với TPHCM trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó, người trẻ của Việt Nam sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng mới thông qua học tập, làm việc tại Nhật, rồi quay về phát triển đất nước, là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cũng theo Thứ trưởng Komura Masahiro, Nhật Bản có khoảng 90 dự án hợp tác giảm phát thải carbon đã triển khai với Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực này. Gần 2.000 công ty Nhật đang có mặt tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại TPHCM, trở thành nơi hoạt động lớn nhất của các công ty Nhật Bản.

Tăng cường hợp tác công - tư

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi công nghiệp của mình. Thị trưởng thành phố Torino (Ý), ông Stefano Lo Russo cho biết, Torino là trung tâm đổi mới quốc tế cho ngành ô tô, hàng không truyền thống lâu đời và phải chuyển đổi sang phương tiện điện bền vững. Con đường chuyển đổi công nghiệp và sinh thái có thể thực hiện được là nhờ sự đối thoại liên tục giữa chính quyền, doanh nghiệp, trường đại học.

Y2a.jpg
Hội nghị Đối thoại hữu nghị năm 2024 thu hút đông đảo các đoàn địa phương quốc tế tham dự. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong khi đó, bà Nadzeya Lazarevich, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Điều hành thành phố Minsk, Belarus nêu kinh nghiệm của nước này trong chuyển đổi công nghiệp, đó là tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao (TechnoPark). Đây là sự kết hợp giữa các tổ chức doanh nghiệp và giáo dục mà chính phủ dành nhiều ưu đãi đầu tư.

Một kinh nghiệm khác từ bà Gabriele Goldfuss, Giám đốc Văn phòng Đối ngoại thành phố Leipzig (Đức): Để có thể thúc đẩy phát triển, chuyển đổi công nghiệp thì rất cần hệ thống hành lang pháp lý minh bạch, nhất quán. Bên cạnh đó, cần có giải pháp phù hợp để hỗ trợ hiệu quả các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là chính sách hợp tác công tư.

Ý kiến này được rất nhiều lãnh đạo các địa phương đồng thuận. Trong đó, ông Federico Penino, Giám đốc Ban Kế hoạch và Thực hiện ngân sách, Chính phủ Montevideo (Uruguay) khẳng định, sự tham gia của nhà nước, khu vực tư nhân và người dân là chìa khóa thành công cho quá trình này.

Ông Ricardo Valente, Phó Thị trưởng thành phố Porto (Bồ Đào Nha) nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi này là kết quả của những nỗ lực chung của cộng đồng, vai trò của chính sách công. Đặc biệt, cần huy động được nguồn lực phát triển thông qua hình thức đối tác công - tư là rất quan trọng.

Gợi mở thêm, ông Mark Chandler, Giám đốc phụ trách về Ngoại thương, Văn phòng Thị trưởng thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) cho rằng, để chuyển đổi công nghiệp thành công, các địa phương cũng cần có cơ sở hạ tầng đầy đủ.

Kết thúc thảo luận, TPHCM cùng các địa phương quốc tế kết nghĩa đã có tuyên bố chung về việc tăng cường hợp tác trong chuyển đổi công nghiệp. Tuyên bố nêu rõ: Các bên thống nhất cam kết tăng cường quan hệ đối tác, thúc đẩy môi trường hợp tác nhằm hỗ trợ chuyển đổi công nghiệp ở các địa phương với trọng tâm là phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo. Các bên nhất trí thường xuyên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, huy động nguồn lực giải quyết các thách thức chung.

Cùng thúc đẩy các dự án, sáng kiến song phương và đa phương, tập trung vào phát triển công nghệ mới, chuyển đổi số, xanh, tuần hoàn; đảm bảo chuyển đổi công nghiệp đóng góp tích cực cho hệ sinh thái công nghiệp của mỗi địa phương.

Các bên thống nhất thiết lập đầu mối tại các địa phương để thúc đẩy hợp tác chuyển đổi công nghiệp. Đây sẽ là nền tảng để các địa phương trong và ngoài nước xúc tiến hỗ trợ nhau chuyển đổi công nghiệp thành công, hướng đến phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục