Vượt rào cản kỹ thuật thế hệ mới
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… xu hướng tiêu dùng đã thay đổi, tác động mạnh mẽ và rõ nét đến những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cụ thể, với sản phẩm nhựa, dệt may, da giày… ngoài những tiêu chuẩn chất lượng thì phải đáp ứng thêm yêu cầu thân thiện môi trường. Còn với thực phẩm, nông - thủy hải sản thô hoặc chế biến phải tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc tuân thủ quy định này không chỉ dừng lại khâu cuối cùng khi thông quan mà phải được giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, vận chuyển đến thông quan và tiêu dùng.
Cũng theo ông Trần Việt Anh, để có thể đáp ứng xu hướng thay đổi rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu và thị hiếu tiêu dùng mới trên thế giới, DN Việt nhất định phải có sự chuyển đổi công nghệ sản xuất. Việc chuyển đổi không chỉ dừng lại cải thiện quy trình quản lý, nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất mà phải tính đến thay mới công nghệ sản xuất. Đơn cử trường hợp Công ty Nhựa Thái Sơn Nam, để đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm bao bì thân thiện môi trường xuất khẩu vào thị trường Mỹ, công ty đã phải đầu tư dây chuyền sản xuất hoàn toàn mới lên đến 12 triệu USD.
Công ty CP Sữa Nutifood cũng phải tái đầu tư dây chuyền sản xuất lên đến cả triệu USD để sản xuất sản phẩm sữa chuyên xuất sang thị trường Mỹ. Riêng ở lĩnh vực dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TPHCM, cho biết thêm các DN thành viên hiệp hội đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn vay hỗ trợ để chuyển đổi công nghệ sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thân thiện môi trường, như giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm sử dụng nước, tái chế chất thải phát sinh…
Linh hoạt với lợi thế FTA
Không ít DN Việt cho rằng, khó khăn lớn nhất của DN không chỉ là nguồn vốn để đổi mới sản xuất mà là thiếu chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. Hiện 60% - 70% nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất trong nước lẫn xuất khẩu đều phải nhập khẩu. Về phía Bộ Công thương cũng nhận định, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu khiến nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước.
Mặt khác, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu cũng gián tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu do không tận dụng lợi thế thuế xuất ưu đãi khi xuất khẩu vào thị trường các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Dễ nhận thấy nhất là trong 16 FTA mà Việt Nam đã ký cũng như đang đàm phán và chờ thông qua, có một điểm chung là sản phẩm xuất khẩu chỉ được hưởng thuế ưu đãi khi chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất là nội địa hoặc là của các nước thành viên hiệp định.
Một số FTA cho phép linh hoạt nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung, nhưng chung quy đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp bền vững cho DN đẩy mạnh xuất khẩu vẫn là phải xây dựng được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai phân tích thêm, DN Việt cần chủ động nắm bắt lợi thế từ các FTA để tận dụng hiệu quả nhất. Hiện với các FTA mà Việt Nam đã ký kết bao gồm FTA song phương và đa phương. Do vậy, trong nhiều trường hợp, FTA đa phương bao trùm cả FTA song phương, nhưng ở FTA song phương thì ngoài những lợi thế mà FTA đa phương cũng có thì có những lợi thế mà chỉ FTA song phương mới có. Do đó, việc tận dụng thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất thì bản thân DN phải tự nghiên cứu, tính đến và áp dụng.
Theo Bộ Công thương, trong thời gian tới giá cả các nguyên liệu đầu vào và giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới có nhiều biến động bất thường, không tuân theo quy luật hàng năm. Do đó, ảnh hưởng tới giá nhiều hàng hóa thiết yếu trong nước. Trong khi đó, công tác thông tin, dự báo còn hạn chế nên không cập nhật kịp biến động thị trường thế giới và chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời. Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng khi ban hành danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn đến năm 2020, ngoài những lĩnh vực như đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đô thị, xã hội… thì tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo quản chế biến nông lâm, thủy hải sản, sản xuất và dịch vụ; nhiều ưu đãi về vốn, thuế và chi phí thuê đất đối với các DN nước ngoài đầu tư sản xuất nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản phẩm công nghiệp, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây cũng là giải pháp để giúp giảm nhập siêu, ổn định cán cân thương mại trong thời gian tới. |