Nuôi heo quá bấp bênh
Huyện Châu Thành và TP Sa Đéc là nơi nuôi heo trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nhiều năm qua. Chị Dương Thị Bé, ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Nuôi heo bây giờ quá bấp bênh, dịch tả heo châu Phi hoành hành trên diện rộng khiến nông dân điêu đứng”.
Mỗi năm, chị Bé nuôi hàng trăm con heo thương phẩm và hàng chục con heo giống. Trong quý 1- 2019, chị Bé xuất chuồng 2 đợt, bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận; tuy nhiên, đợt thứ 3 ngay vào thời điểm dịch tả heo châu Phi khiến giá giảm xuống khoảng 30.000 đồng/kg, xem như không lời.
Cùng nỗi buồn trên, anh Trần Hoàng Nam, ngụ xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho (Tiền Giang), băn khoăn: “Còn nhớ những tháng đầu năm 2017, giá heo hơi giảm thê thảm và khó tiêu thụ. Dù ngành chức năng phát động nhiều đợt “giải cứu”, nhưng người nuôi vẫn bị lỗ nặng 6.000 - 12.000 đồng/kg. Năm 2018, nhiều hộ chăn nuôi nỗ lực gầy lại đàn heo và giá có cải thiện; song niềm vui chưa duy trì được lâu thì nay dịch tả heo châu Phi bao trùm, đẩy người nuôi rơi vào khốn đốn”.
Tại An Giang, người chăn nuôi heo cũng mất ăn mất ngủ vì dịch bệnh và lo lắng trước những rủi ro của nghề. UBND tỉnh An Giang cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng và các huyện cố gắng hạn chế lây lan và phát sinh những ổ dịch mới...
Số lượng heo giảm mạnh
Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, chăn nuôi heo là nghề truyền thống của không ít hộ dân nông thôn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại và chậm chuyển đổi. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho rằng: “Là địa phương có số lượng đàn heo lớn nhất khu vực ĐBSCL, nhưng thực trạng chăn nuôi của Tiền Giang đa phần nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu kết nối với thị trường… Bên cạnh đó, giá cả lên xuống không ổn định, dịch bệnh thường xảy ra, khiến đàn heo của tỉnh từ hơn 700.000 con trước đây, nay giảm khá nhiều”.
Tại Đồng Tháp, ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cũng thừa nhận: “Nhiều bất lợi đang vây quanh nghề nuôi heo. Lúc cao điểm, Đồng Tháp có khoảng 600.000 con heo, nhưng giờ đây chỉ còn hơn 200.000 con và nếu dịch bệnh còn kéo dài thì nguy cơ đàn heo tiếp tục giảm”.
Cũng theo ông Hiền, thực trạng chăn nuôi hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, chậm ứng dụng mô hình mới, công nghệ cao… Nguyên nhân là do chi phí đầu tư lớn, người nuôi dạng hộ gia đình không theo nổi.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hiện Kiên Giang còn khoảng 200.000 - 300.000 con heo, về cơ bản không đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của tỉnh; nhất là 2 huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải, gần như nhập toàn bộ heo từ đất liền đưa ra. Thời gian qua, tỉnh cũng khuyến khích người dân nuôi công nghệ cao, công nghệ sinh học, an toàn…, nhưng sự chuyển biến còn chậm; đến nay chỉ có khoảng 22 cơ sở nuôi trang trại. Đối với những hộ không tiếp tục nuôi heo, các địa phương hỗ trợ chuyển sang nuôi vịt chạy đồng, bởi Kiên Giang có nhiều diện tích lúa”.
Ở các tỉnh khác, dự báo đàn heo sẽ giảm và gà, vịt, bò là những vật nuôi được khuyến cáo chuyển đổi theo điều kiện phù hợp từng nơi. Về lâu dài, các tỉnh ĐBSCL tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp (gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ), giảm dần nuôi nhỏ lẻ; đồng thời xây dựng hệ thống giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp.