Giảm quy trình, tăng tiện ích
8 giờ sáng, anh Trần Huy Luân (47 tuổi, ngụ phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TPHCM) đến khám bệnh tại Bệnh viện (BV) thành phố Thủ Đức. Anh được chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu, siêu âm vùng bụng, chụp X-quang vùng ngực. Sau khi có các kết quả, anh trở về phòng khám ban đầu và chờ lãnh thuốc. Tất cả quy trình chỉ mất khoảng 80 phút. Nếu như trước đây, mỗi lần khám bệnh anh Luân phải mất không dưới 3 tiếng đồng hồ, thì nay thời gian đã giảm đáng kể nên anh rất hài lòng.
Là BV đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm BAĐT từ năm 2015, đến nay BV thành phố Thủ Đức đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án bằng giấy và tích hợp vào phần mềm trên 6.000 hồ sơ bệnh án giấy, giúp lưu trữ được lâu, phục vụ thuận tiện cho công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo…
TS-BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc phụ trách BV thành phố Thủ Đức, cho biết, BAĐT giảm thời gian truy xuất rõ rệt so với bệnh án giấy, từ gần 31 phút xuống chỉ còn gần 19 phút. Nếu tính số lượng hàng ngàn bệnh án phải thực hiện mỗi ngày, số thời gian được tiết giảm rất đáng kể, chưa kể các tiện ích trong việc lưu trữ, truy xuất khi cần. Tương tự, nhằm đáp ứng yêu cầu khám và điều trị của hơn 2.000 người bệnh ngoại trú, gần 900 người bệnh nội trú mỗi ngày, từ năm 2022 đến nay, BV Bình Dân không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến hoàn thiện BAĐT. Gần như các module trong hồ sơ bệnh án đã được làm xong và hoạt động suôn sẻ, đạt mức 5/7 theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ BAĐT.
Hình ảnh điều dưỡng, bác sĩ hay thư ký y khoa sử dụng hồ sơ điện tử ngày càng trở nên quen thuộc với những người bệnh đang điều trị tại đây. Theo ThS Võ Thuận Anh, Điều dưỡng trưởng BV Bình Dân, trước đây, điều dưỡng phải viết tay 5 biểu mẫu trên giấy sau khi chăm sóc người bệnh, mất khá nhiều thời gian, thì nay đã tích hợp thành 1 biểu mẫu điện tử. Các thông số như mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh được cập nhật tự động ngay khi điều dưỡng nhập các dữ liệu, vô cùng tiện lợi, chính xác và an toàn.
Chưa như mong đợi
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 1.300 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang BAĐT. Tại TPHCM, một số đơn vị đã triển khai BAĐT như: BV thành phố Thủ Đức, BV Đại học Y Dược, BV Hùng Vương, BV Bình Dân, BV Gia An 115…
Bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 theo dõi tình hình điều trị của người bệnh qua bệnh án điện tử |
Đến nay, đã có 41/51 BV đã xây dựng kế hoạch triển khai BAĐT, và 27/51 BV đảm bảo triển khai BAĐT trong năm 2023 theo đúng lộ trình của Bộ Y tế. Theo các BV, để triển khai BAĐT, cần phải có nguồn kinh phí lớn đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực…
Thế nhưng, nguồn kinh phí này rất khó khăn với các BV tự chủ vì chi phí cho công nghệ thông tin chưa được đưa vào cơ cấu giá của dịch vụ kỹ thuật thực hiện, do đó nhiều nơi vẫn còn loay hoay xoay xở. Bác sĩ Mai Đức Huy, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, thông tin, BV mới chỉ thực hiện BAĐT ở mức độ cơ bản và sắp tới sẽ nâng cấp hệ thống thông tin bệnh viện đạt mức 6 để triển khai BAĐT mức nâng cao, bỏ bệnh án giấy.
“BV đang thực hiện theo Thông tư 46 của Bộ Y tế hướng dẫn về việc triển khai BAĐT. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều quy định mới về bảo mật an toàn thông tin, về chữ ký số, các chuẩn quy định về kho lưu trữ dữ liệu điện tử... khiến công tác thực hiện gặp lúng túng”, bác sĩ Mai Đức Huy nói. Để việc triển khai BAĐT được nhanh, hạn chế các khuyết điểm và tuân thủ đúng các tiêu chí, BV Đa khoa Sài Gòn rất mong được Bộ Y tế, Sở Y tế tổ chức các buổi tham quan học tập kinh nghiệm tại các BV đã triển khai thành công BAĐT để tham khảo.
Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy, cho rằng, việc triển khai BAĐT phải có sự liên thông, liên kết giữa các cơ sở y tế, vì một bệnh nhân không chỉ đi khám chữa bệnh ở một BV mà có thể điều trị tại nhiều BV khác nhau, khi liên kết được những thông tin này thì BAĐT mới trở nên thực chất. Bộ Y tế cần đưa ra một mẫu BAĐT chuẩn áp dụng cho tất cả BV trên toàn quốc, để khi cần thì các BV có thể truy xuất, trích xuất thông tin của bệnh nhân ở các BV khác. Nếu không thì khi bệnh nhân chuyển tuyến vẫn buộc phải làm thủ tục bằng giấy, và đến BV tuyến sau phải thực hiện lại hồ sơ bệnh án từ đầu, việc triển khai BAĐT sẽ chỉ là… nửa vời!
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã yêu cầu toàn ngành y tế phải đẩy mạnh chuyển đổi số: thúc đẩy thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; triển khai đơn thuốc điện tử; đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, nhận dạng sinh trắc học khi đăng ký và trong quá trình khám, chữa bệnh. Đến hết năm 2025, tất cả BV trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.