Tờ New York Times nhận định, các công ty dầu khí của châu Âu đang đẩy nhanh việc sản xuất năng lượng sạch hơn, thường là điện và khí hydro. Bên cạnh đó, các công ty này cũng đang từ bỏ kế hoạch khoan thêm giếng dầu khí. Tập đoàn dầu khí Shell mới đây đã giành được hợp đồng xây dựng một trang trại điện gió rộng lớn ngoài khơi bờ biển Hà Lan.
Đầu năm 2020, Tập đoàn Total của Pháp đã đồng ý đầu tư vào năng lượng mặt trời ở Tây Ban Nha và một trang trại điện gió ngoài khơi Scotland. Total cũng đã mua một công ty điện và khí đốt tự nhiên ở Tây Ban Nha và đang tham gia cùng Shell, BP trong việc mở rộng kinh doanh các trạm sạc xe điện.
Shell gần đây cho biết sẽ trì hoãn khai thác các mỏ mới ở vịnh Mexico và Biển Bắc trong khi BP hứa sẽ không tìm kiếm dầu ở bất kỳ quốc gia mới nào. BP có kế hoạch tăng đầu tư vào các doanh nghiệp phát thải thấp như năng lượng tái tạo gấp 10 lần trong thập niên tới lên 5 tỷ USD/năm, đồng thời cắt giảm sản lượng dầu và khí đốt xuống 40%. Đến năm 2030, BP đặt mục tiêu tạo ra điện tái tạo tương đương vài chục trang trại điện gió lớn ngoài khơi.
Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình tiêu thụ dầu khí trên thế giới giảm mạnh do đại dịch Covid-19 buộc các công ty dầu khí châu Âu phải thay đổi cơ cấu kinh doanh nếu không muốn rơi vào khủng hoảng. Bernard Looney, Giám đốc Điều hành Tập đoàn BP, khẳng định: “Những gì thế giới muốn từ năng lượng đang thay đổi, vì vậy chúng ta cần thay đổi những gì chúng ta cung cấp cho thế giới”.
Không phải gần đây các công ty dầu khí ở châu Âu mới bắt đầu chuyển đổi sang đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tại Đan Mạch, trong 10 năm qua, một công ty năng lượng đã làm được điều mà ít công ty năng lượng nào trên thế giới làm được: Thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Công ty đã tăng từ 15% năng lượng tái tạo trong năm 2009 lên 85% vào năm 2019. Sản phẩm của họ chiếm gần 1/3 thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu, trở thành nhà sản xuất điện gió lớn nhất trên thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng những gã khổng lồ của Mỹ như Exxon Mobil và Chevron đã chậm hơn so với các đối tác châu Âu trong việc cam kết thực hiện các mục tiêu liên quan đến khí hậu, một phần do họ không phải đối mặt với nhiều áp lực từ phía chính phủ và nhà đầu tư.