Được sinh ra trong dòng chảy của kỷ nguyên công nghệ thông tin phát triển, thế hệ gen Z hiện có sự tiếp cận rộng lớn với nhiều nền tảng số khác nhau, từ sách báo điện tử, các bài giảng trực tuyến, podcast, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… Cũng chính vì vậy, giới trẻ thường bị hiểu nhầm là “nghiện” công nghệ và hay “sống ảo” trên mạng xã hội mà không có thói quen đọc sách. Nhưng thực tế, các thống kê đều cho thấy, lượng gen Z sử dụng mạng Internet hay các thiết bị điện tử như một công cụ giúp tiếp cận với sách vở là không hề nhỏ.
Lý giải cho thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, sau khi rời khỏi ghế nhà trường, đa phần giới trẻ đều có xu hướng rời xa sách vở, đây từng là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, được cảnh báo mạnh mẽ. Tuy nhiên, áp lực nâng cao vị thế, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công việc, hoàn thiện bản thân nhằm theo kịp sự thay đổi và phát triển của thế giới, hay đôi khi chỉ đơn giản là tìm một biện pháp, nơi chốn để thư giãn… đã khiến nhiều bạn trẻ dần nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách. Và từ đó, người trẻ ngày càng tiếp cận với sách bằng nhiều cách khác nhau, trong đó chiếm đa số vẫn là sử dụng nền tảng công nghệ, thế mạnh của người trẻ. Minh chứng cho việc này là sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng đọc sách trực tuyến, các thiết bị đọc sách điện tử…
Các phần mềm cho điện thoại hỗ trợ việc đọc sách điện tử cũng góp phần giúp bạn đọc tiếp cận sách một cách mạnh mẽ hơn. Nam Nguyên (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) chia sẻ: “Không biết từ bao giờ, tôi đã hình thành thói quen sử dụng điện thoại thông minh để đọc sách. Có lẽ bắt nguồn từ nhu cầu tìm kiếm, tra cứu tài liệu học tập, sau dần chuyển thành đọc sách. Ưu điểm thì rất rõ ràng, thay vì phải đi tìm thì nay chỉ ngồi một chỗ, tôi vẫn có thể đọc những cuốn sách mình quan tâm, hay những cuốn được bạn bè, người quen giới thiệu.
Thậm chí, thấy một bài giới thiệu sách hay trên mạng xã hội, tôi có thể ngay lập tức tìm sách để đọc thử, rất nhanh và tiện”. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị công nghệ là điểm mạnh cũng đồng thời là điểm yếu của gen Z, vì nó ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung và dần hình thành tư duy lệ thuộc vào sức mạnh tìm kiếm thông tin nhanh chóng của công nghệ. Việc đọc sách, hay các văn bản trên giấy thường mất thời gian hơn việc tra cứu thông tin trên internet, nhưng nó giúp người đọc hình thành các thói quen tốt như việc đánh dấu, ghi chú thích các thông tin hữu ích để có thể nhớ lâu hơn.
Văn hóa đọc có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nâng cao nhận thức và hình thành nhân cách mỗi người. Việc giới trẻ chú trọng hơn vào việc đọc sách là điều đáng khuyến khích, trân trọng và bên cạnh đó là việc định hướng để người trẻ có cách đọc thích hợp, đúng đắn để đáp ứng yêu cầu phát triển của cá nhân và góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.