Thay đổi tư duy tiêu dùng
Đi đầu trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn là khu vực châu Âu. Để thực hiện, Ủy ban châu Âu kêu gọi các bên liên quan, từ cơ quan chính phủ, doanh nghiệp khai thác, nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia loại hình kinh tế này. Theo dự báo từ giới chuyên gia môi trường, kinh tế tuần hoàn có thể giúp châu Âu thu về khoảng 600 tỷ EUR (651 tỷ USD) mỗi năm, tạo ra 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”, Thụy Điển là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua thay đổi nhận thức của người dân, khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh. Nước này xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải, đồng thời ban hành chính sách ưu đãi với sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học… Nhờ đó, Thụy Điển tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Thụy Điển đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về tính bền vững, trong đó không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2045.
Phần Lan là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng lộ trình tiến tới nền kinh tế tuần hoàn (2016-2025). Lộ trình nhằm giảm tiêu thụ các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, ví dụ như nhiên liệu hóa thạch, khoáng sản, phi kim… và tăng sử dụng bền vững các loại tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo, tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên.
Từ năm 2018, Chính phủ Pháp công bố lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành nguyên liệu phục vụ cho guồng máy sản xuất trong các ngành công nghiệp. Pháp đề ra mục tiêu giảm 50% số lượng rác thải trước năm 2025, tận dụng tối đa phế phẩm, phế liệu để làm ra những sản phẩm mới và tiếp tục tìm những phương án để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ra những mặt hàng càng bền vững càng tốt.
Trong khi đó, tại Đức, nền kinh tế tuần hoàn được xây dựng theo mô hình “từ trên xuống”. Từ năm 1996, Chính phủ Đức ban hành luật về quản lý chất thải và chu trình khép kín, với ý tưởng cốt lõi là “tuần hoàn vật liệu”. Trên cơ sở đó, nước Đức thúc đẩy nhiều mô hình giảm thiểu chất thải, tái sử dụng, tái chế và đốt rác thải để sản xuất điện năng và nhiệt năng, cung cấp nhiên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp khác.
Điển hình ở châu Á
Tại châu Á, Singapore trở thành một điển hình về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Là đảo quốc với nguồn lực tự nhiên rất hạn chế, nên ngay từ năm 1980, Singapore phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng với việc xây dựng 4 nhà máy xử lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác/ngày. Với 10% lượng rác thải còn lại, Singapore đã sáng tạo biến thành hòn đảo Semakau - đảo rác nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
Trung Quốc tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn sau một thời gian sử dụng quá lãng phí các nguồn lực tự nhiên và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Năm 2008, nước này thông qua dự luật liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2018, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế tuần hoàn. Trung Quốc xây dựng 3 khâu để phát triển kinh tế tuần hoàn gồm: Vòng tuần hoàn nhỏ (thực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp); vòng tuần hoàn vừa (mở rộng quy mô hơn); và vòng tuần hoàn lớn (thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế).
Còn ở Nhật Bản, từ năm 1991, chính phủ đã hướng đến mục tiêu trở thành một “xã hội dựa trên tái chế” thông qua việc ban hành và triển khai nhiều văn bản pháp luật liên quan. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2030 mở rộng quy mô nền kinh tế trong nước lên 80.000 tỷ yen (khoảng 549 tỷ USD), trong đó tập trung vào giảm lượng khí thải carbon thông qua việc tái sử dụng các sản phẩm và tài nguyên.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế dựa trên các yếu tố: tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu, làm mới và tái sản xuất. Mục đích của kinh tế tuần hoàn là tối đa hóa giá trị sản phẩm, giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên và ngăn ngừa phát sinh chất thải.
Theo Cơ quan phát triển Liên hợp quốc, đến năm 2030, lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại cho thế giới 4.500 tỷ USD và hỗ trợ 10/17 chỉ tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.