Trung Quốc sẵn sàng đẩy nhanh quá trình thành lập khu thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn đã được 3 nước đàm phán trong 8 năm qua (kể từ tháng 11-2012) với 16 vòng đàm phán được tổ chức. Điều này càng được tạo điều kiện thuận lợi nhờ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mới được ký kết gần đây. RCEP là một trong những thành tựu hội nhập kinh tế quan trọng nhất trong khu vực trong hơn 20 năm qua. Nhờ cơ chế này, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đạt được mức độ mở cửa nền kinh tế với nhau cao hơn. Đây là một trong những tiền đề chính để RCEP đẩy nhanh việc ký kết hiệp định thương mại tự do ba bên. Theo những dự báo lạc quan nhất, sau cuộc hội đàm của ông Vương Nghị tại Tokyo và Seoul, các bên có khả năng đạt được thỏa thuận thương mại tự do ba bên vào cuối năm nay.
Sau khi ký kết RCEP, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu về khả năng gia nhập CPTPP. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lưu ý, Trung Quốc sẽ xem xét một cách tích cực ý tưởng gia nhập CPTPP. Valery Kistanov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản IDB thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, nhận định: “CPTPP ban đầu được Mỹ tạo ra như một cấu trúc để kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Việc Mỹ rút khỏi hiệp định này là một đòn giáng mạnh vào Nhật Bản. Thế nên, nếu Trung Quốc có gia nhập CPTPP, Nhật Bản sẽ không bận tâm bởi nó mở ra thêm cơ hội cho hàng hóa Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc”. Giới quan sát cho rằng chuyến công du đến Nhật Bản trong 2 ngày 24 và 25-11 là dịp để Bắc Kinh thăm dò thái độ của Tokyo về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP.
Trước chuyến thăm của ông Vương Nghị, quan chức cấp cao Trung Quốc đầu tiên đến thăm Hàn Quốc sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở cả 2 nước là ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi tháng 8 vừa qua. Cuộc gặp có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh quan hệ song phương nguội lạnh kéo dài do việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc. Việc ông Vương Nghị đến Seoul 3 tháng sau đó nhằm vạch ra ranh giới trong cuộc khủng hoảng quan hệ song phương kéo dài nhiều năm qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, chuyến thăm Seoul của ông Vương Nghị còn mục đích để Seoul duy trì sự thân thiện với Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ gây áp lực cứng rắn với các đồng minh của mình về hồ sơ Trung Quốc. Ngoài ra, GS Park Jong Chol của Đại học Quốc gia Gyeongsang (Hàn Quốc), nhận định: “Ông Vương Nghị đi thăm dò cả Hàn Quốc và Nhật Bản về khả năng thành lập liên minh của 2 nước này với Mỹ, chắc chắn sẽ thúc đẩy trở lại trong thời gian tới. Nhưng Hàn Quốc hiện tại không có ý định như vậy vì Seoul sẽ không đồng ý liên minh với Tokyo do những mâu thuẫn giữa 2 bên. Và điều này rất hợp ý Trung Quốc”.