Chuyện đi “mở đất” trên lòng hồ Trị An - Bài 2: Khát vọng làm giàu ở vùng đất chiến khu xưa

Sau khi thủy điện Trị An được xây dựng, người dân ven hồ đa số là các hộ di dời dưới lòng hồ, vùng bán ngập, những thanh niên xung phong, công nhân làm thủy điện và nhiều năm gần đây là bà con Việt kiều Campuchia trở về làm nghề nuôi cá lồng bè. Họ cần cù lao động, tìm tòi các mô hình sản xuất mới để có những xóm làng trù phú ven hồ, dần hiện thực hóa giấc mơ biến vùng ven hồ Trị An thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cộng đồng.

nha-may-thuy-dien-tri-an-tren-song-dong-nai-nhin-tu-tren-cao-bai-1-5829.jpg
Nhà máy Thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai nhìn từ trên cao

Sức sống mới

Theo chân ông Cổ Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lý, chúng tôi đến thăm mô hình quýt đường với quy mô 3ha, hơn 10 năm tuổi của gia đình anh Hà Thắng (sinh năm 1982, ấp Lý Lịch 2). Vườn quýt xanh tốt, cành to khỏe được trồng theo hướng hữu cơ trên đất phù sa ven lòng hồ Trị An, quanh năm không lo nước tưới. Chủ vườn dùng men IMO để ủ cá mua từ lòng hồ Trị An làm phân bón, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học nên cây cho trái nhiều và ít sâu bệnh. Anh Thắng cho hay, vườn quýt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2012, với sản lượng trung bình mỗi năm đạt 50-60 tấn, thu về 800-900 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 10 lao động, thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng.

Ông Cổ Văn Lâm khoe, xã có 387 hộ nông dân sản xuất giỏi với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: hộ ông Phạm Văn Minh với mô hình trồng măng cụt kết hợp chăn nuôi cá chình; hộ ông Hoàng Văn Sửa với mô hình trồng cây ca cao, nuôi cá tai tượng và nuôi heo lai rừng F1. Hàng chục năm qua, những người nông dân này đổ bao mồ hôi, công sức xuống những khu vườn để góp phần hình thành những thôn làng trù phú ven hồ Trị An.

p5a-3071.jpg
Mô hình quýt đường của gia đình anh Hà Thắng (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) mang lại hiệu quả kinh tế cao

Xã Mã Đà được thành lập ngày 1-7-2023 theo Nghị định số 25/2003/ NĐ-CP, trên cơ sở tách ra một phần diện tích tự nhiên; nhân khẩu của thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) có 1.945 hộ, 8.999 khẩu, với 10 dân tộc anh em Kinh, Thổ, Tày, Nùng, Mường, Chăm, Hoa, Chơ Ro, Khmer, Stiêng sinh sống. Đây là nơi đứng chân của Chiến khu Đ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông, địa đạo Suối Linh gắn với Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đang được quan tâm đầu tư, xây dựng hạ tầng, nâng cao đời sống người dân trong vùng.

Theo con đường ĐT 761 nằm trong rừng tự nhiên thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, chúng tôi đến ấp 3, 4 xã Mã Đà. Ở đây có 720 hộ gia đình với khoảng 3.800 nhân khẩu, chủ yếu là người dân đi xây dựng kinh tế mới sau năm 1975, làm nhiệm vụ trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ xuất sang Liên Xô và những hộ dân phải di dời khỏi lòng hồ Trị An để xây dựng thủy điện. Từ đầu năm 2022, công trình điện lưới quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng kéo về các ấp, khiến cuộc sống của bà con thêm khởi sắc.

Chị Phạm Hồng Thủy (ngụ ấp 3) hồi tưởng, do tỉnh Đồng Nai chủ trương di dời toàn bộ người dân 2 ấp ra bên ngoài nên nhiều năm ròng không có điện, bà con phải dùng máy dầu phát điện sinh hoạt, tưới cho cây trồng. Nay có điện lưới kéo về, cuộc sống đã đổi thay, bà con sắm thêm quạt, nồi cơm điện, tủ lạnh để phục vụ sinh hoạt và học hỏi thêm kinh nghiệm chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mở rộng các mô hình nông nghiệp.

mot-lang-be-noi-tren-long-ho-tri-an-doan-qua-xa-ma-da-huyen-vinh-cuu-tinh-dong-nai-bai-2-597.jpg
Một làng bè nổi trên lòng hồ Trị An đoạn qua xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai)

Trở về trụ sở UBND, chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Mã Đà, và được anh chia sẻ: Ngày mới thành lập, xã có gần 800 hộ, chiếm hơn 53% dân số, người dân làm nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Trị An. Nhờ nỗ lực vươn lên làm kinh tế cùng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 134, Chương trình 135, hỗ trợ cây con giống của Nhà nước cùng sự nỗ lực của người dân, xã không còn hộ đói, hộ nghèo A, thu nhập bình quân đầu người hơn 62,7 triệu đồng/năm (năm 2023 chỉ 5,3 triệu đồng) và Mã Đà đang phấn đấu xây dựng vùng đất chiến khu cách mạng ngày một giàu đẹp.

Kỳ vọng các dự án du lịch sinh thái

Chiếc thuyền nhỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, làm nghề nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An, chở chúng tôi dạo một vòng quanh mặt hồ rộng mênh mang. Lòng hồ có nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè, chỉ riêng khu vực xã Mã Đà có tới 200 hộ nuôi cá lồng bè, mỗi hộ có vài chục lồng nuôi cá lăng, cá trắm thu về cả trăm triệu đồng/ năm. Khu vực bán ngập có nhiều mô hình chăn nuôi hươu, nai, ong lấy mật ven hồ và trồng lúa, bắp đậu chuối đang mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân. Ven hồ có hơn 70 đảo, lớn nhất là đảo Ó - Đồng Trường 20ha, các đảo Xanh, đảo Đá, Năm Bầu, liên thông với hồ bà Hào 400ha, hồ vườn ươm 20ha, hồ sen trong Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là điều kiện thuận lợi để làm du lịch sinh thái.

du-khach-trai-nghiem-luot-song-tren-long-ho-tri-an-bai-2-1-3004.jpg
Du khách trải nghiệm lướt sóng trên lòng hồ Trị An

Năm 2017, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở ven hồ Trị An giai đoạn 2021-2030 (do Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện) được lập với hơn 4.600ha, quy hoạch 37 tuyến du lịch, 22 khu với 50 điểm du lịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi, giải trí, cắm trại. Đồng thời, kết nối thêm các điểm du lịch tham quan gồm điểm du lịch văn phòng Khu bảo tồn từ 1km là điểm gần nhất đến 20km (điểm xa nhất) và điểm du lịch Khu ủy miền Đông Nam bộ cách 15km, đặc biệt có dự án Safari (nuôi động vật bán hoang dã). Do vướng mắc các quy định chuyển đổi đất rừng đặc dụng, vùng lòng hồ, đất nông nghiệp, cơ chế hỗ trợ du lịch nên vào tháng 10- 2023, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở ven hồ Trị An mới được UBND tỉnh Đồng Nai thông qua.

Chúng tôi xuống bè cá của ông Nguyễn Văn Hoàng (sinh năm 1958, ngụ xã Mã Đà), người có hơn 30 năm nuôi cá lồng trên hồ Trị An, ông cho biết, trước đây, gia đình nuôi 100 lồng cá lăng, cá trắm, cá mè cho thu nhập ổn định. Nhiều năm trở lại đây, thấy mặt hồ đẹp, khách du lịch đến tham quan, du lịch ngày càng nhiều nên gia đình nuôi cá kết hợp kinh doanh các dịch vụ ăn uống ngay trên bè, thu về gần 20 triệu đồng/tháng. Ông Hoàng mong muốn sau khi đề án được phê duyệt, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện sẽ hỗ trợ người dân cùng tham gia làm du lịch, đầu tư các loại hình dịch vụ du lịch quanh hồ và trên đảo.

Cách đó không xa là Khu du lịch Angel Village rộng 2ha do anh Nguyễn Thanh Huy (sinh năm 1984, ngụ xã Mã Đà) làm chủ. Mỗi dịp cuối tuần khu du lịch đón từ 150-200 lượt khách đến trải nghiệm du thuyền, chèo thuyền, lái mô tô nước, cắm trại, hái trái cây ven hồ. Khi nghe tin đề án được phê duyệt, anh Huy mừng rỡ: Nhiều năm qua, du lịch ven hồ mang tính tự phát, manh mún, giờ đây đề án du lịch được phê duyệt, bà con rất vui. Ngành chức năng nên có quy định cụ thể, hướng dẫn các hộ kinh doanh du lịch lên phương án đầu tư.

hang-tram-ho-nuoi-ca-long-be-tren-long-ho-tri-an-mong-muon-co-quan-chuc-nang-trien-khai-de-an-phat-du-lich-sinh-thai-tren-ho-bai-2-258.jpg
Hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Trị An mong muốn cơ quan chức năng triển khai đề án phát du lịch sinh thái trên hồ

Tạm biệt Trị An khi nắng chiều dần buông trên lòng hồ thủy điện, chúng tôi vui mừng vì giấc mơ du lịch cộng đồng của người dân đang dần được hiện thực hóa. Hy vọng rằng, từ kinh nghiệm xây dựng nhà máy thủy điện trong quá khứ, cùng khát vọng vươn lên của bà con trong vùng sẽ giúp tỉnh Đồng Nai mạnh mẽ hơn trong kêu gọi xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư giàu tiềm lực rót vốn làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven hồ và để những thanh âm của dòng thác thủy điện mãi vang vọng trên sóng nước Trị An.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo (Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai), Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở ven hồ Trị An được UBND tỉnh Đồng Nai thông qua sẽ làm cơ sở để khu bảo tồn triển khai các dự án, mời gọi các nhà đầu tư vào du lịch, liên doanh liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng. Điều đáng mừng là nhiều công ty du lịch đang có chủ trương đầu tư khu Safari, khu vực hồ Sen, công viên thể thao hàng không tại hồ Bà Hào, mô hình cắm trại và nhà di động trong rừng tại khu bảo tồn. Lãnh đạo tỉnh kỳ vọng vùng rừng, hồ Trị An phát triển bền vững, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, thành niềm tự hào của vùng Đông Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục