Chuyến đi hiện thực hóa chiến lược khu vực

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, trong chuyến công du tới Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Philippines từ ngày 5 đến 8-2, Ngoại trưởng Ignazio Cassis sẽ tập trung thảo luận về mối quan hệ của Thụy Sĩ với các nước này.

Ngoại trưởng Ignazio Cassis. Nguồn: DPA
Ngoại trưởng Ignazio Cassis. Nguồn: DPA

Ở Ấn Độ, ông Cassis dự kiến có cuộc gặp với Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar, thảo luận về tiến triển trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương và hợp tác trong các lĩnh vực, các vấn đề quốc tế quan trọng hiện nay, nhất là những biện pháp giúp giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.

Tại Hàn Quốc, Ngoại trưởng Thụy Sĩ sẽ có cuộc hội đàm đầu tiên với người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yul và dự kiến tập trung vào các vấn đề an ninh toàn cầu. Tiếp đó, tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Cassis dự kiến hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị. Tại cuộc tiếp xúc cấp cao thứ hai giữa Ngoại trưởng hai nước trong năm nay, hai bên cũng sẽ thảo luận về tình hình an ninh thế giới như xung đột ở Ukraine và tình hình ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, hợp tác trong các diễn đàn đa phương.

Cuối cùng, trong chuyến thăm đầu tiên của một Ủy viên Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ tới Manila kể từ năm 2008, Ngoại trưởng Cassis sẽ gặp Ngoại trưởng Enrique Manalo và hội đàm các vấn đề về quan hệ kinh tế, đóng góp của Thụy Sĩ trong việc xây dựng đất nước Philippines, hợp tác bảo vệ nhân quyền và tình hình địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chuyến công du là một ưu tiên trong Chiến lược Chính sách Đối ngoại mới của Thụy Sĩ sau khi chính phủ nước này lần đầu tiên thông qua chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2023-2026. Đây là chiến lược Thụy Sĩ từng áp dụng với Trung Đông - Bắc Phi, châu Phi cận Sahara, Trung Quốc và châu Mỹ.

Trong bối cảnh các nền kinh tế ở châu Á đã lấy lại động lực tăng trưởng đáng kể trong 2 năm qua, tầm quan trọng địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng. Theo giới phân tích, động thái nhằm đa dạng hóa quan hệ của Thụy Sĩ trên lục địa châu Á đã có tính đến tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á, vốn đang là một trong những khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, đồng thời bổ sung cho chiến lược Trung Quốc của chính phủ Thụy Sĩ.

Tin cùng chuyên mục