Ngay giữa trung tâm quận 1, quanh khu vực công viên 23-9, không khó để bắt gặp những hình ảnh vô tư tiểu bậy. Gốc cây, cột điện, góc tường… trở thành điểm đến để “giải tỏa nỗi buồn” của không ít người, trong đó dễ bắt gặp là những tài xế xe ôm, lao động phổ thông. Nhiều người đi đường nhìn thấy phải quay mặt vì ái ngại. Những ai đi bộ, khách đi xe buýt xuống đoạn đường này cũng nhăn mặt, nhất là những ngày trời nắng nóng, vì mùi khai nồng nặc, đặc biệt quanh khu vực bến xe.
Cách đó không xa, ngay ngã ba Nguyễn Trãi và Lương Hữu Khánh, góc tường, vỉa hè cũng ố vàng vì đây là điểm “hạ cánh” của rất nhiều người tiểu bậy. Phía ngoài có xe che chắn do nơi đây là điểm dừng của không ít taxi, góc cột điện ngay ngã ba đường này trở nên quá kín đáo để… “xả nước”.
Dạo quanh một vòng thành phố, dễ bắt gặp chuyện tiểu bậy diễn ra thường nhật, như một lẽ tự nhiên. Khu vực Sài Gòn Super Bowl gần sân bay Tân Sơn Nhất sau khi đóng cửa đoạn đầu đường Hậu Giang, được xem là nơi lý tưởng để tiểu bậy vì tương đối vắng vẻ. Đi thêm một chút, khu vực cổng kho hàng không, dịch vụ hàng hóa, bức tường màu vàng nhiều đoạn cũng ố vàng hơn... Đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dọc 2 đường Hoàng Sa - Trường Sa, nhiều người cũng vô tư “xả nước” xuống lòng kênh.
Chuyện bạ đâu tiểu đó, ngoài tại các bến xe, công viên, gầm cầu, quanh các công trình đang xây dựng…, thì tại nhiều đoạn đường đông đúc xe qua lại ở khu vực trung tâm thành phố, cũng không hiếm. Tiểu bậy vì tiện đường, thay vì phải đi tìm nhà vệ sinh công cộng, là lý do được nhiều người viện dẫn. Lại có người cho rằng, nếu muốn đi vào nhà vệ sinh công cộng ở các bến xe, trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, hay đi vệ sinh nhờ trong các trung tâm thương mại… phải mất công gửi xe phiền phức. Cũng có người không muốn mất 2.000 đồng cho mỗi lượt đi vệ sinh nếu phải vào nhà vệ sinh như ở bến xe buýt công viên 23-9. Đủ loại lý do. Mà lý do, luôn to hơn mục đích và hành động.
Trong muôn vàn lý do của chuyện tiểu bậy, việc thiếu những nhà vệ sinh ở các địa điểm đông đúc của trung tâm thành phố có thể xem là một nguyên nhân. Tìm kiếm trên bản đồ, khu vực trung tâm quanh Nhà thờ Đức Bà và chợ Bến Thành cũng chỉ có khoảng 10 nhà vệ sinh đặt ở các địa điểm: khúc giao đường Lý Tự Trọng - Hai Bà Trưng, đường sách thành phố, gần công trường Mê Linh, góc ngã tư Lê Lai - Nguyễn Thái Học, mũi tàu Lê Lai - Nguyễn Trãi, công viên Tao Đàn... Số này dường như là quá ít so với nhu cầu, nhất là khi khu vực này vốn tập trung đông đúc khách tham quan, nhất là khách nước ngoài. Như tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, cảnh xếp hàng để đi vệ sinh vốn không phải hiếm, thậm chí chen chúc vào các dịp lễ, tết.
Điều ái ngại không kém, nhiều nhà vệ sinh tình trạng xuống cấp, xập xệ, đặc biệt là mùi hôi, dơ bẩn. Và hiển nhiên, vật bất ly thân nếu muốn đi vệ sinh công cộng là phải mang theo giấy, bởi nhiều nơi chẳng có giấy, trừ những nơi thu phí. Ngay cả những nhà vệ sinh được coi là khá tươm tất và sạch sẽ như ở góc ngã tư Lê Lai - Nguyễn Thái Học, bên trong phòng vệ sinh nam, 3/5 bồn tiểu hiện đã bị hư không thể sử dụng được. Đã thiếu, lại càng thêm thiếu.
Xét cho cùng, chuyện “đầu ra” luôn là vấn đề mang tính cấp thiết. Nó vừa là nhu cầu cơ bản vừa là quyền của mỗi con người. Nhưng cũng không thể vin vào cớ đó, hay các lý do khách quan khác để có những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng. Thay đổi ý thức không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Với những người cố tình làm bậy, chuyện đó còn khó hơn, dù đã có những chế tài xử phạt của pháp luật.
Trong câu chuyện về ứng xử và hành xử có văn hóa ở nơi công cộng, đừng chỉ nghĩ được cho mình, lợi cho mình và tiện cho mình. Chính cái sự tùy tiện ấy đã và đang ảnh hưởng đến mỹ quan chung.