Ở các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới thuộc địa bàn Quân khu 7, có những chiến sĩ tiêu biểu, được đồng đội gọi là “hạt giống đỏ” đang tích cực phấn đấu, luyện rèn, cống hiến trí tuệ, sức trẻ xây dựng đơn vị.
Cống hiến sức trẻ vì Tổ quốc
Đến Tiểu đoàn 11 (Phòng Tham mưu Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân) giữa trưa tháng 3 nắng gắt, các chiến sĩ mới vẫn sôi nổi tập đội ngũ. Tiếng hô dõng dạc của cán bộ, nhịp bước chân đều, khỏe của hơn 600 tân binh trên thao trường… sôi động một khoảng trời. Đến giờ giải lao, nhóm chiến sĩ trẻ Trung đội 2, Đại đội 4, Tiểu đoàn 11 quây quần trò chuyện. Những tiếng cười giòn tan xua đi không khí oi bức. Câu chuyện tiếu lâm do chiến sĩ Lưu Phước Lộc kể khiến ai nấy quên đi nỗi mệt nhọc, vất vả trên thao trường.
Lộc (25 tuổi, ở phường 6 quận 3, TPHCM) là kỹ sư chuyên ngành Quy hoạch vùng và đô thị, tình nguyện nhập ngũ năm 2019. Vốn nhanh nhẹn, hoạt bát, Lộc luôn là tâm điểm của các phong trào tình nguyện, hoạt động thanh niên sôi nổi, vui nhộn trong lớp và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Sau khi tốt nghiệp đại học (tháng 7-2016), Lộc làm giám sát cho một công ty xây dựng.
Quá trình làm việc, Lộc tiếp xúc với các anh bộ đội Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7), từ đó ước mơ trở thành người chiến sĩ lớn dần lên trong chàng kỹ sư trẻ. Đợt tuyển quân năm 2019 vừa qua, Lộc trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn 11, tự nguyện dấn thân vào con đường binh nghiệp với suy nghĩ: “Cống hiến sức trẻ vì Tổ quốc”.
Chiến sĩ Lưu Phước Lộc (sính 1994) hạnh phúc ngày gặp được mẹ
Chuyện Lưu Phước Lộc quyết định tạm gác lại việc làm đang có thu nhập cao để lên đường nhập ngũ không phải là cá biệt. Cùng Tiểu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 4 với Lộc, tân binh Nguyễn Minh Hoàng (23 tuổi, ngụ phường 6 quận 3) cũng nhận thức được bản thân mình cần học hỏi, rèn luyện thêm để trưởng thành hơn và cao hơn là ý thức, trách nhiệm về nghĩa vụ của người thanh niên đối với xã hội, với đất nước.
Chững chạc hẳn lên sau hơn một tháng huấn luyện, Hoàng cho biết mình đã có bằng kiến trúc sư (Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) loại khá từ năm 2018. Sau đó, Hoàng làm việc cho một công ty xây dựng liên doanh với nước ngoài, với thu nhập 15 triệu đồng/tháng. “Hiểu mình còn phải học hỏi thêm nhiều điều nữa nên em viết đơn tình nguyện nhập ngũ để rèn luyện”, Hoàng bày tỏ và cho rằng, thế hệ trẻ của Hoàng hiện nay có nhiều thứ để quan tâm, bị hấp dẫn. Trong đó, không ít bạn hầu như chỉ quan tâm đến nhu cầu cá nhân hơn là làm những điều có ích cho xã hội. Vì vậy, Hoàng mong muốn các bạn trẻ bớt “chăm chú” vào điện thoại, nên bước ra sân tập thể dục, đọc sách nhiều hơn để có thêm sức khỏe, tri thức đóng góp cho gia đình, Tổ quốc.
Mừng vì sự rắn rỏi, thay đổi
Chúng tôi ngược về Trung đoàn Gia Định (quận 12), những ngày cuối tuần, đơn vị không huấn luyện. Thời gian này, tân binh tập thể thao, nghỉ ngơi, đợi người thân tới thăm... 8 giờ 30 sáng, mẹ và và bác của tân binh Nguyễn Chí Nhân (23 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh), chiến sĩ Đại đội Bộ binh 9, Tiểu đoàn 3 đã có mặt tại phòng chờ người thân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (mẹ Nhân) kể rằng dù tướng tá cao lớn nhưng Nhân khá chậm, thường chỉ biết học, không phải đụng tay vào việc nhà (Nhân học ngành Công nghệ thông tin). “Vào quân ngũ là dịp để cháu rèn luyện bản thân bản lĩnh hơn. Bây giờ, cháu trông lanh lợi và rắn rỏi hơn, tôi mừng lắm”, bà Thúy nói.
Tân binh Nguyễn Chí Nhân hạnh phúc trong vòng tay của mẹ và bác
Gần đó, tân binh Lục Sĩ Thành Đạt (21 tuổi) vui cười cùng người nhà tại nhà mái vòm dưới sân, nơi hàng ngày ngồi học của tân binh. Bày tỏ niềm vui, tin tưởng vào sự trưởng thành của con, bà Trần Thị Hương (58 tuổi) nói: “Tôi rất vui và yên tâm khi thấy Đạt ngày một trưởng thành, lễ phép và cứng cáp hơn. Đạt nói sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục đi học để lấy bằng kỹ sư tự động hóa rồi đi làm phụng dưỡng cha mẹ. Gia đình mong muốn cháu tiếp tục nỗ lực rèn luyện để hoàn thành nghĩa vụ quân sự”.
Tân binh Lục Sĩ Thành Đạt bên mẹ và người thân
Gặp cháu nội Trần Nguyễn Nam (sinh viên năm 3 Trường Đại học Công nghiệp TPHCM), cựu chiến binh Nguyễn Thị Lan (80 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) tự hào vì Nam (cháu trai duy nhất của bà) nhập ngũ. Bà Lan vui mừng thấy cháu chỉ sau một tháng huấn luyện tăng được 3kg và trở nên rắn rỏi hơn.
Bà kể lại những chuyện thời bà tham gia Trung đội nữ du kích Củ Chi (thành lập năm 1965) và dặn dò, động viên cháu trai cùng các bạn trẻ rèn luyện thể lực tốt, có ý chí lập trường kiên định, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
* Trung tá VŨ BÁ QUANG, Chính trị viên Tiểu đoàn 11: Tín hiệu vui về nâng chất lượng huấn luyện
Năm nay, đơn vị được giao huấn luyện 620 chiến sĩ mới (TPHCM có 320 tân binh). Trong đó, nhiều chiến sĩ mới đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học và có việc làm tương đối ổn định. Đây là tín hiệu đáng mừng để góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng đơn vị.
Chúng tôi luôn quán triệt, quá trình huấn luyện, rèn luyện là quá trình hình thành nhân cách của bộ đội. Bởi thế trong hoàn cảnh nào, cán bộ luôn phải là người nêu gương, họ không chỉ là người chỉ huy, người thầy, người anh, mà còn là người bạn với chiến sĩ. Người cán bộ chính là tấm gương phản chiếu quá trình hình thành kỹ năng và đặc biệt là nhân cách chiến sĩ.
* Thiếu tá LÊ DUY VŨ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn Gia Định: Ổn định tư tưởng cho tân binh ngay những ngày đầu
Việc làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cho tân binh trong những ngày đầu nhập ngũ là rất quan trọng. Do đó, đơn vị chú trọng nắm bắt, động viên, giải thích giúp đỡ và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng môi trường sống, học tập, lao động sạch, đẹp, bổ ích, thu hút chiến sĩ tham gia. Đơn vị cũng phối hợp với địa phương, gia đình để kịp thời giải quyết những vấn đề còn vướng mắc. Sau hơn một tháng huấn luyện, 100% chiến sĩ mới đã làm quen với môi trường quân đội, an tâm tư tưởng, thi đua học tập, huấn luyện. Điều quan trọng hơn, các chiến sĩ mới đã tin tưởng, sống hòa đồng và cùng tìm thấy niềm vui, bổ ích từ môi trường quân ngũ.