Ở quê tôi có hai loại cá kèo: cá kèo ruộng và cá kèo biển. Về hình dáng hai loại này đã khác nhau tuy cùng tên gọi và cùng họ cá kèo. Cá kèo ruộng sống trong hang trên ruộng, hang có một hang chính dẫn xuống lớp bùn sâu gọi là hang trầm, nơi trú ẩn của cá kèo khi không còn đường thoát. Ngoài hang chính cá kèo còn đào nhiều hang ngách, tức hang phụ thông từ hang chính lên mặt ruộng để thoát thân khi bị truy bắt.
Người bắt cá kèo có kinh nghiệm dùng chân chận ngang hang trầm, tay thò vào hang chính, tay đón ở hang ngách, trong vòng… ba nốt nhạc có thể tóm được chú cá kèo tinh ranh. Nếu không có kinh nghiệm chận hang trầm từ đầu, chú cá kèo chui xuống hang trầm thì chỉ còn cách dùng cả hay tay… đào sâu xuống bùn, tới hang trầm mới tóm được chú cá kèo, có khi mất nửa giờ đồng hồ. Bắt cá kèo kiểu đó đích thị là tay mơ, một ngày lội ruộng bắt chưa tới chục cá kèo thì chỉ có hút gió trở về.
Cá kèo ruộng da màu nâu có vằn đen, sống vùng nước ngọt. Chúng làm hang trên mặt ruộng để ẩn náu ban ngày, đêm đến cá kèo bò lên miệng hang kiếm ăn. Hang cá kèo bình thường chỉ có cá đực hoặc cá cái sống riêng lẻ, nhưng khi sinh sản chúng có đôi, ở chung hang. Hang cá kèo khi sinh sản rất dễ phân biệt, miệng hang rất to, luôn ở chỗ trũng, trên miệng hang có “mà”, tức bùn của loạt đất ruộng ở sâu được vợ chồng nhà cá kèo đùn lên miệng hang. Hang cá kèo ở đôi khi sinh sản thoáng nhìn rất giống hang đẽn nên người không có kinh nghiệm dễ nhầm lẫn, thò tay xuống sẽ bị loại đẽn ruộng xơi cho một phát chảy máu, nhưng nếu gặp đẽn thường thì không sao, không may trúng nhầm hang đẽn biển tức đẽn cườm (đầu tròn, màu đỏ) thì toi mạng.
Cá kèo biển nhưng thật ra là cá kèo sông, vì chúng làm hang trong bùn trên bãi sông, sống được mùa nước ngọt lẫn mùa nước mặn. Cá kèo biển da trắng ngà ngà, vẩy dày, đuôi xòe to, có bông, thịt cứng ăn không ngon bằng cá kèo ruộng. Ngày xưa không ai bắt cá kèo biển ngoại trừ những người đi rập cua biển bắt chúng cắt đôi để làm mồi dụ cua vào rập. Nhưng bây giờ cá kèo ruộng và cá kèo biển ngoài thiên nhiên rất hiếm, nhất là cá kèo ruộng không còn nhiều để bắt hang, đi soi, chạy nò, chạy đáy nữa mà phải nuôi. Ở chợ quê bây giờ toàn cá kèo nuôi, con rất to, giá rẻ hơn cá kèo bắt trong thiên nhiên nhưng người không có kinh nghiệm lại khó phân biệt cá kèo nuôi hay cá kèo thiên nhiên, gặp người bán không thật thà bán cá kèo nuôi mà hét giá trên trời theo giá cá kèo thiên nhiên thì người mua “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Ngày xưa cả cá kèo ruộng và cá kèo biển đều không có giá trị gì, nhà “cực ăn”, người phụ nữ hoặc đứa trẻ con xách giỏ lên ruộng, xuống rẫy bắt cá kèo hang về kho tiêu qua bữa. Mùa lúa trổ đòng đòng, theo con nước rong người ta đặt nò trên miệng xả thoát nước từ ruộng xuống kênh hoặc đóng đáy trên một đoạn kênh, rạch nào đó bắt được cá kèo vô số kể, chỉ để phơi khô làm phân bón dưa hấu. Đi coi hát không tiền mua vé “hạng cá kèo” tức mua vé đứng cuối rạp hát ngóng cổ lên sân khấu xem cải lương, giống như cá kèo trên ruộng luôn ngóng cổ lên khỏi mặt nước để lấy không khí. Bây giờ cá kèo lên ngôi, trở thành đặc sản, nhưng có tiền chưa chắc mua được cá kèo thiên nhiên kho tiêu, kho tộ, kho mắm hoặc nấu lẩu chua (kiểu lẩu cá kèo) ở Nguyễn Thông, Bà Huyện Thanh Quan, Sư Thiện Chiếu ở quận 3 TPHCM.