“Chuyện cổ tích” về Út Lượm

Lượm của 7 năm về trước...
“Chuyện cổ tích” về Út Lượm

Vậy là Nguyễn Thị Mỹ Loan đã dọn về ở mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp (188 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) được 7 năm rồi. Ngày đó, Loan chỉ là cô gái bé nhỏ, 19 tuổi nhưng đã xốc vác những việc nặng nhọc. Cho đến tận bây giờ, Loan cũng chẳng hiểu vì sao, mái ấm đơn sơ - nơi phụng dưỡng 65 ông, bà cụ tuổi ngoài 70, không họ hàng bà con, không nơi nương tựa - lại trở thành gia đình thứ hai của mình. Trong câu chuyện về Loan, chúng tôi chỉ muốn gọi Loan với cái tên Út Lượm thật chân chất mộc mạc như những cụ già ở mái ấm đã gọi cô từ nhiều năm nay.

Lượm của 7 năm về trước...

Chân dung của Út Lượm khi còn đi học là một nữ sinh có cá tính, quậy phá đến nỗi phải bỏ học ngang lớp 12, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 5, TPHCM. Gia đình không khó khăn, nhưng vì đã lỡ… bỏ học nên Lượm phải đi làm thêm để “khẳng định” mình. Cô xin vào bán quần áo ở một siêu thị với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm bấy giờ (2002), cuộc sống của Lượm cũng được coi là tạm ổn. Cứ tưởng là Lượm sẽ yên phận với công việc bán hàng ít va chạm với cuộc sống, nhưng thật bất ngờ, một bước ngoặt của cuộc đời cô đã đến…

Út Lượm chăm sóc một cụ già ở mái ấm.

Út Lượm chăm sóc một cụ già ở mái ấm.

Một ngày nọ, cô cùng mấy người bạn đến chùa Diệu Pháp vừa để cúng Phật, vừa để thư giãn sau khi đi làm về. Hôm ấy trời mưa to, triều cường lại lên cao nên đường ngập, Lượm không về được. Trong lúc đang đứng trú mưa trên bậc thềm của nhà chùa, Lượm bỗng nhìn thấy căn nhà dành cho người già neo đơn mà chùa dùng để nuôi dưỡng từ nhiều năm qua. Tò mò, Lượm tạt vào xem thử. Cảnh tượng nước ngập lênh láng, các cụ già phải ngồi bó gối trên giường, mái nhà thì dột, nước tuôn xối xả xuống nền nhà làm Lượm thấy cay cay khóe mắt. Cô quyết định sẽ quay lại.

Và Lượm quay lại thật! Mỗi khi rảnh rỗi hoặc tan ca ở siêu thị, Lượm lại tranh thủ tạt qua chùa, thăm các cụ già một chút. Có lần, thấy chị điều dưỡng viên duy nhất của mái ấm phải vất vả lo lắng cho mấy chục cụ, Lượm liền vào giúp. Cô tắm rửa, thay quần áo và cho các cụ ăn - những việc mà Lượm chưa từng bao giờ nhúng tay khi ở nhà. Rồi Lượm nảy ra ý kiến táo bạo…

Lượm đến gặp sư thầy phụ trách mái ấm, đề đạt nguyện vọng xin được vào mái ấm phụ trông nom các cụ già yếu. Bất ngờ trước nguyện vọng của một cô gái xinh xắn, mới 19 tuổi lại muốn vào ở trong… chùa, chăm lo cho người già yếu, sư thầy hỏi rõ nguyên căn. Còn Lượm thì chắc như định đóng cột: “Con muốn giúp chùa, giúp mái ấm trông nom các cụ già. Nhìn các cụ, thương quá…”.

Sư thầy cảm động trước tấm lòng chân tình của Lượm và đồng ý.

Khi cô đem tin này báo cho bạn bè, ai cũng tròn xoe mắt nhìn Lượm đầy ngưỡng mộ, vì không tin cô gái hơi ngang bướng này lại chấp nhận vào chùa “ở ẩn” để chăm sóc các cụ già. Còn cha mẹ, em trai của Lượm thì không ai phản đối vì biết tính Lượm - đã quyết là theo đến cùng!

Ngày chính thức vào chùa ở, Lượm mới biết, công việc của mình không đơn giản chút nào. Nhiều ngày trời, cô không ăn được gì vì ói mửa suốt sau khi dọn dẹp chất thải của các cụ. Nhưng Lượm không nản, vẫn quyết tâm ở lại làm “cô bé Út Lượm” thảo thơm của mái ấm.

Và Út Lượm của... 65 ông, bà

4 giờ sáng, các cụ già trong mái ấm đã lục đục thức dậy. Phần vì tuổi cao, mất ngủ, phần vì cái “đồng hồ sinh học” trong mỗi cơ thể già cỗi kia đã quen với nhịp sống như thế.

Út Lượm chia sẻ niềm vui với người già neo đơn ở mái ấm.

Út Lượm chia sẻ niềm vui với người già neo đơn ở mái ấm.

Út Lượm cũng vậy. Cũng “nhịp điệu” 4 giờ sáng như các cụ nhưng công việc của cô vất vả hơn nhiều lắm. Từ tầng trệt, Lượm thoăn thoắt lên tầng 2 rồi trở lại tầng 1, tìm đến những cụ già yếu nhất, phải nằm liệt, tiêu tiểu tại chỗ, đánh thức các cụ, dọn rửa vệ sinh và tắm táp cho các cụ. Có cụ còn lớn tiếng cằn nhằn vì muốn ngủ thêm chút nữa nhưng Lượm chỉ cười, hỏi thăm các cụ vài câu rồi bắt tay vào việc. Sau khi cùng với một điều dưỡng khác tắm rửa cho các cụ xong, Lượm lại xuống bếp đem cơm lên cho những cụ già yếu. Cụ nào nằm liệt một chỗ, Lượm lại ngồi đút cơm cho các cụ.

Sau khi cho các cụ ăn, cô lại massage, đọc sách hoặc trò chuyện, an ủi để các cụ vơi bớt nỗi cô đơn. Một ngày, mỗi cụ già yếu như thế sẽ có 4 “tăng” tắm rửa, ăn uống và riêng Lượm phụ trách việc chăm lo cho hơn 10 cụ. Cứ như thế, công việc điều dưỡng “nghiệp dư” đã đeo đuổi Lượm suốt 7 năm nay.

Nhiều năm ở mái ấm, Lượm đã chứng kiến cảnh đến rồi “đi” của rất nhiều cụ và chính vì thế, tình cảm của Lượm với những cụ già gần đất xa trời này lại càng sâu đậm.

Có một cụ tên Phương, quê tận ngoài Bắc đi lang thang được phật tử của chùa dẫn vào mái ấm. Mấy ngày đầu, bà cứ năn nỉ Lượm bới thêm cơm để đem về cho con cháu ăn cùng nhưng Lượm không tin. Một hôm, thấy bà năn nỉ quá, Lượm bới thêm một ít cơm và đồ ăn để bà vui lòng. Vậy mà mới qua phòng khác đưa cơm được 15 phút, quay lại Lượm tá hỏa vì không thấy bà Phương đâu hết. Chạy ra cửa hỏi thăm cô bán giải khát thì nghe kể thấy bà già mới đi ra khỏi nhà. Cô liền lấy xe máy chạy lòng vòng trong xóm tìm bà. Sau gần nửa tiếng, cuối cùng thì cô cũng tìm thấy bà lão đang ngồi ở gần đường rầy xe lửa. Chở bà về mà Lượm cứ ân hận mãi vì sự vô tâm của mình.

Ở mái ấm, nhiều cụ bị lẫn, ốm yếu, trái tính trái nết nói lảm nhảm suốt ngày. Có cụ còn đánh mắng Lượm, nhưng “bao nhiêu cụ ở đây là bấy nhiêu cảnh đời thương tâm, làm sao nỡ trách giận”, Lượm tâm sự.

Lượm nhớ mãi cụ Nguyễn Thị Lan, ngoài 80 tuổi, một người có hoàn cảnh thương tâm. Vào mái ấm được chừng một năm, có một người tự xưng là cháu ruột đến thăm. Sau lần thăm nuôi ấy, đến 5 năm trời không thấy anh cháu này quay lại. Thế là suốt ngần ấy năm, cứ tết đến là cụ Lan lại bắc ghế ra cửa ngồi chờ mà không chịu ăn uống gì, Lượm thuyết phục mãi mà không được. Đến khi cụ ngã bệnh liệt giường vẫn cứ luôn miệng đòi về nhà. Tối nào chăm sóc cụ, Lượm cũng khóc cùng với cụ, chia sẻ sự quạnh hiu tuổi già cho đến khi cụ mất.

Những ngày vào làm việc ở mái ấm, ngoài thời gian chăm sóc cho các cụ, Lượm còn đi học thêm vào buổi tối để hoàn thiện chương trình bổ túc THPT và thi đậu vào ngành điều dưỡng tại Trường Trung cấp dạy nghề Phương Nam, TPHCM.

Có những lúc, ngồi trông các cụ ốm nặng mà trên tay Lượm vẫn cầm quyển sách để ôn bài. Lượm bảo: Phải cố gắng học thật tốt để còn trở thành một điều dưỡng chuyên nghiệp để chăm sóc cho các cụ tốt hơn… Cảm được tấm lòng của cô gái giàu nghị lực này, Ban quản trị mái ấm tình thương đã tài trợ toàn bộ học phí cho Lượm và hàng tháng còn cho cô 1 triệu đồng để tiêu vặt.

Mấy ai biết, 7 năm qua, chưa có cái tết nào Lượm về nhà với gia đình bởi cứ mỗi khi tết đến, công việc ở mái ấm lại càng vất vả. Ai cũng muốn lo cái tết chu đáo, ấm áp cho các cụ già neo đơn nên hầu như không ai nghĩ về mình và Lượm cũng thế. Hiểu tấm lòng, tình thương của cô con gái với mái ấm mà cha mẹ cô không những không hề quở trách mà còn thường xuyên đem quà bánh tới thăm cô.

Hỏi Út Lượm về tương lai, cô chỉ cười cười: “Em sẽ gắn bó với mái ấm cả đời”. Chúng tôi tin điều đó bởi hàng ngày, cô gái xinh xắn này chỉ chuyên tâm với công việc của mình và việc học mà hầu như không có thời gian đi chơi hay tìm thú vui khác cho bản thân.

Rời mái ấm, đôi mắt biết nói của cô gái 26 tuổi cứ mãi đeo đẳng chúng tôi về một câu chuyện cổ tích thời hiện đại ở mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp…

Thạch Thảo

Tin cùng chuyên mục