Không êm ả như những con sông nơi đây, cuộc thi lập tức làm dậy sóng dư luận bởi giải nhất được trao cho truyện ngắn Căn cơ (tác giả Nguyễn Phước Thảo) có dung lượng quá dài và theo nhiều người là không xứng đáng.
Theo tìm hiểu, các cuộc thi bút ký và truyện ngắn ĐBSCL những năm trước, trong thể lệ thường có quy định về số lượng chữ không quá 5.000 từ. Đến cuộc thi truyện ngắn lần này, quy định này đã không còn được nhắc đến trong thể lệ. Truyện ngắn Căn cơ có dung lượng gần 25.000 từ. Rõ ràng thể lệ cuộc thi được đưa ra từ trước, vậy nên rất khó để nói rằng tác giả đã phạm quy, cũng như cho rằng ban tổ chức làm sai.
Cho đến nay, chưa có một văn bản nào quy định số chữ cụ thể cho thể loại truyện ngắn cũng như truyện dài, truyện vừa hay tiểu thuyết. Trên thực tế, có rất nhiều cuốn tiểu thuyết đặc sắc, khiến người đọc nhớ mãi, dù dung lượng của nó rất mỏng, chỉ trên dưới 100 trang sách khổ nhỏ. Có thể kể đến như: Tuyết của Maxence Fermine, Lụa của Alessandro Baricco, Tiểu thuyết cuộc đời của Nguyễn Văn Bổng, Lễ hội của vô nghĩa của Milan Kundera, Ông già và biển cả của Ernest Hemingway… Dẫn ra để thấy, thể loại đôi khi chỉ là tương đối, quan trọng là chất lượng của tác phẩm như thế nào.
Theo nhà văn Bích Ngân, một trong những giám khảo của cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2019, truyện ngắn Căn cơ tỏ rõ nội lực văn chương. Cuộc thi không giới hạn số từ, điều đó có lẽ còn là chủ ý của ban tổ chức cuộc thi mong muốn có thêm điều kiện phát hiện nội lực văn chương của các tác giả tham gia. Ngoài ra, cũng theo nhà văn Bích Ngân, trong 3 giải nhất của 3 lần thi mà chị tham gia trong vai trò giám khảo, Căn cơ là truyện ngắn vừa có chuyện vừa có văn.
Mỗi cuộc thi sẽ có tiêu chí riêng, cũng như khi lựa chọn trao giải cho tác phẩm nào đó, ban giám khảo chắc chắn có lý do riêng. Vậy nên, câu chuyện của Căn cơ có lẽ cũng không cần phải “căn ke”, ầm ĩ làm gì. Điều đáng quan tâm hơn cả là việc trấn an dư luận, làm sao để họ không mặc định tỉnh nào đăng cai tổ chức, nghiễm nhiên tỉnh đó có giải cao. Bởi vì, thực tế không chỉ một lần mà đã có nhiều lần kết quả diễn ra đúng như vậy.
Chẳng hạn, cuộc thi truyện ngắn lần 4 năm 2011 do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang tổ chức, giải nhất là tác giả của An Giang. Sang lần 5 năm 2015 cũng do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang tổ chức, tính thêm cả giải nhì, tỉnh này có 5/11 giải thưởng. Liên tiếp các cuộc thi thơ lần 2, 3, 4 thì giải nhất đều thuộc về tác giả của tỉnh đăng cai. Hay mới đây, khi Đồng Tháp đăng cai, không chỉ có giải nhất, đơn vị này cũng có 5/12 giải thưởng.
Và một điều cũng đáng để quan tâm chính là sự mở rộng biên độ ra cả nước, thay vì chỉ dành cho các tác giả đang sinh sống và làm việc ở đồng bằng. Bởi thực tế, sẽ có những tác giả có nguồn gốc đồng bằng nhưng đang sống ở xa hoặc những tác giả ở ngoài khu vực, cũng có những tâm tư, những đóng góp dành cho nơi đây. Nếu chỉ đóng cửa tổ chức với nhau, mãi mãi văn học đồng bằng cũng chỉ quẩn quanh; nếu không có những ầm ĩ không đáng có thì cũng không ai biết đến. Thực tế, nhiều hội văn học nghệ thuật địa phương đã làm được điều này như Thanh Hóa, Quảng Trị, Thái Nguyên…