Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ngay trong lần đầu trả lời chất vấn của mình, đối diện với một cụm vấn đề vào loại đang nóng nhất hiện nay: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng và điều hành giá xăng dầu thời gian qua; công tác quản lý thị trường; phòng chống buôn lậu; giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là nông sản.
Tuy có kinh nghiệm về trả lời chất vấn hơn, song nhóm vấn đề mà Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phải giải đáp cũng hóc búa và có sức nóng không hề kém. Đó là việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng trả giá cao trong các phiên đấu giá đất (rồi bỏ cọc), chỉ để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi…
Để chuẩn bị hoạt động này, các báo cáo dày dạn, chi tiết đã được hai bộ trưởng gửi đến đại biểu Quốc hội. Và, mặc dù các vấn đề phải tháo gỡ khác nhau, song điểm chung dễ nhận thấy là sẽ không vấn đề nào có thể giải quyết thỏa đáng ngay lập tức, mà đều cần đến những giải pháp căn cơ và sự phối hợp đều tay giữa các bộ ngành, địa phương. Ví dụ như câu chuyện nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm 2022 không phải lần đầu tiên xuất hiện cảnh ùn tắc nông sản ở cửa khẩu. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, từ sau Tết Nguyên đán 2022, do Trung Quốc tiếp tục phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 tại khu vực biên giới nên các cặp cửa khẩu Hà Khẩu - Kim Thành, Đông Hưng - Móng Cái và gần đây nhất là cửa khẩu Hữu Nghị cũng tạm dừng thông quan. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, những giải pháp xử lý tình huống (như giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để tìm cách tháo gỡ) dĩ nhiên là rất cần, nhưng chưa đủ. Đã đến lúc phải chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…) để tận dụng một cách hiệu quả các kênh xuất khẩu khác (như đường biển, đường sắt, hàng không). Xa hơn, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT cần tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng, mở cửa các thị trường mới cho mặt hàng nông sản để đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Trong lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, tình hình cũng tương tự. Để ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ”, trả giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm tạo mặt bằng giá ảo, thì sự vào cuộc quyết liệt của rất nhiều cơ quan liên quan, từ Bộ Tư pháp, Bộ Công an đến tòa án… là không thể thiếu. Về lâu dài, cần tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản. Hay, những lùm xùm xung quanh việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua (kéo theo đó là vướng mắc khi giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan) sẽ chỉ xử lý dứt điểm được khi bổ sung, rà soát, quy định thống nhất về “hứa mua, hứa bán” trong Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ luật Dân sự và một số luật khác. Đồng thời, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Tòa án nhân dân tối cao, UBND các cấp sẽ phải phối hợp trong quản lý, tuyên truyền vận động người dân nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật; tập trung giải quyết các tranh chấp phát sinh để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh.
Chính vì những mối liên hệ hữu cơ này mà bên cạnh hai bộ trưởng, phiên chất vấn còn có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng hầu hết các vị tư lệnh ngành khác sẵn sàng tham gia giải trình. Không phải ngẫu nhiên mà công luận luôn kỳ vọng những chuyển biến thực chất sau các phiên chất vấn và trả lời chất vấn - một trong những hình thức giám sát quan trọng nhất trong hoạt động nghị trường.