Cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Theo TTXVN, hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào; giới thiệu cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài của Lào; định hướng và giải pháp mới trong hợp tác đầu tư giữa hai nước; thúc đẩy các cơ hội và dự án đầu tư mới.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các ý kiến của các đại biểu; đồng thời mong muốn, hy vọng những vấn đề được nêu tại hội nghị sẽ được giải quyết, thúc đẩy và kết quả của hội nghị sẽ là những sản phẩm cụ thể.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hợp tác Việt Nam - Lào là quan hệ đặc biệt, có một không hai trên thế giới; “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhưng quan hệ về kinh tế phát triển chưa tương xứng, trong khi dư địa còn rất lớn. Do đó, nhiệm vụ của hai nước và doanh nghiệp hai nước là làm sao tạo ra được nhiều của cải vật chất hơn để Lào và Việt Nam độc lập, tự do, hùng cường, thịnh vượng; người dân hai nước ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Trên cơ sở phân tích, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Chính phủ hai nước phải hoàn thiện thể chế và thực hiện nhất quán về chính sách để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư; giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp với từng giai đoạn; đối với những lĩnh vực khuyến khích phát triển cần có cơ chế chính sách khuyến khích, ưu tiên.
Hai Chính phủ cần chia sẻ, phối hợp, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, trong đó phối hợp, xây dựng, kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa - xã hội...giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tham quan trưng bày ảnh về thành tựu hợp tác Việt Nam - Lào. Ảnh: TTXVN |
Ký thỏa thuận hợp tác năm 2023
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.
Tại kỳ họp, hai bên đã thảo luận và thống nhất, cụ thể hóa các ý kiến kết luận của hai Bộ Chính trị vào Thỏa thuận Kế hoạch hợp tác giữa hai nước năm 2023 và sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm nhằm thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị - đối ngoại - an ninh quốc phòng, đầu tư - thương mại. Hai bên tập trung tạo chuyển biến mới trong hợp tác, tháo gỡ dứt điểm các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên thống nhất tập trung thực hiện tốt các Tuyên bố chung; thỏa thuận hai Bộ Chính trị và các thỏa thuận khác, trong đó có thỏa thuận tại kỳ họp 45; thúc đẩy quan hệ chính trị - đối ngoại - an ninh quốc phòng, đầu tư, thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều năm 2023 tăng 10%-15% so với năm 2022.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối hai nước, hợp tác quản lý sử dụng bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên...
Hai bên thống nhất giải quyết dứt điểm các khó khăn đối với các dự án sử dụng viện trợ của Việt Nam dành cho Lào và các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; khuyến khích các bộ, ngành, địa phương hai nước mở rộng quan hệ, hỗ trợ lẫn nhau.
Sau kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone chứng kiến lễ ký kết biên bản kỳ họp lần thứ 45 và Thỏa thuận hợp tác năm 2023 của Ủy ban Hợp tác song phương giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào.
Cùng ngày, chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam- Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp.
Đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt 5,34 tỷ USD. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng luôn nằm trong tốp 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào. Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021.