Cô hy vọng chuyến đi truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ muốn theo đuổi sự nghiệp trong khoa học và hàng không.
Rutherford, mang hai quốc tịch Anh và Bỉ, đang học tại St Swithun ở Winchester, Hampshire, Anh. Cô xuất thân từ một gia đình có bố mẹ và em trai cũng làm phi công. Rutherford đã học bay từ năm 14 tuổi, mặc dù cô chỉ bắt đầu học bay chính thức và có bằng lái đầu tiên vào năm 2020.
Rutherford lái một trong những chiếc máy bay siêu nhỏ, nhẹ, nhanh nhất trên thị trường hiện nay, là máy bay Shark Ultalight. Hành trình của cô sẽ bay qua Greenland, vòng qua châu Mỹ, tới châu Á và trở lại châu Âu. Bắt đầu từ Bỉ, cô gái trẻ sẽ bay qua 52 quốc gia, 5 lục địa và băng qua đường xích đạo 2 lần - lần đầu là ở Tumaco, Colombia và lần nữa ở Jambi, Indonesia - để đáp ứng yêu cầu của Kỷ lục Guinness thế giới về một chuyến bay vòng quanh thế giới.
Chuyến đi kéo dài 2 tháng do cô tự trang trải chi phí, bằng cách bán xe của mình và tìm kiếm thêm các nhà tài trợ.
Cô chia sẻ với CNN: “Thách thức lớn nhất với tôi sẽ là những vùng đất xa xôi như miền Bắc nước Nga hay Greenland, nơi không có nhiều người sinh sống nên nếu có sơ suất, tôi sẽ rơi vào tình huống khó xử. Tôi có một chút lo lắng nhưng cũng rất phấn khích”.
Chuyến đi dài khoảng 51.000km, tùy thuộc vào thời tiết và thời gian cũng có thể kéo dài hơn. Để tránh bất kỳ câu hỏi nào nghi ngờ về việc người khác bay cùng, cô tháo ghế dự phòng để chứa thêm bình xăng. Cô gái 19 tuổi này cũng có tham vọng sau này sẽ trở thành một phi hành gia.
Nếu hoàn thành, Rutherford sẽ là người phụ nữ trẻ nhất bay một mình vòng quanh thế giới trên máy bay siêu nhẹ. Hiện tại, kỷ lục này thuộc về Shaesta Waiz, khi đó 30 tuổi. Trong khi đối với nam giới, kỷ lục mới nhất này thuộc về Travis Ludlow, 18 tuổi, vừa đạt được vào tháng 7-2021. Đây là một trong nhiều chỉ số khoảng cách chênh lệch giữa nam và nữ trong ngành hàng không.
Theo Hiệp hội Nữ phi công hàng không quốc tế (ISA), chỉ 5,1% phi công hàng không trên toàn cầu là phụ nữ - thấp hơn nhiều so với các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) khác. Do vậy, nâng cao nhận thức của phụ nữ trong ngành hàng không là một phần quan trọng trong sứ mệnh của Rutherford.
“Khi nghĩ đến phi công, nhiều người nghĩ đến nam giới nhiều hơn nữ giới. Việc chứng kiến sự mất cân bằng giới tính trong nghề nghiệp là một phần đã thôi thúc tôi xin phép cha mẹ để tự thử thách bản thân, tự mình bay vòng quanh thế giới. Tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng để các bạn gái tham gia ngành này”, cô nói.
Để giúp nhiều phụ nữ và trẻ em gái sớm tham gia vào các lĩnh vực khoa học, Rutherford đang hỗ trợ hai tổ chức từ thiện trong chuyến đi của mình: Girls Who Code - tổ chức hỗ trợ phụ nữ trẻ bước vào ngành khoa học máy tính, và Dreams Soar - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi kỷ lục gia hiện tại Waiz, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái tham gia vào các lĩnh vực STEM. Cô hy vọng sẽ giảm bớt “khoảng cách ước mơ” và trở thành hình mẫu cho các cô gái trẻ, như cách cha mẹ cô đã truyền cảm hứng cho cô.
Một ý nghĩa khác của chuyến đi là tác động đến nhận thức bảo vệ môi trường. Rutherford cho biết tổng lượng nhiên liệu cho chuyến đi của cô tương đương với lượng nhiên liệu được sử dụng trong 10 phút của một chiếc Boeing 747. Cô cũng chi 710 USD cho các dự án trồng cây để bù đắp lượng khí thải carbon của mình thải ra.