Mũi dại, lái chịu đòn
Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều nạn nhân của các băng nhóm xã hội đen đã phản ánh, kêu cứu về việc bị quấy nhiễu, đe dọa với những thủ đoạn như tạt mắm tôm, phân, nước sơn vào nhà; gọi điện mắng chửi, đe dọa; thậm chí là xông vào nhà uy hiếp, hành hung. Nhiều nạn nhân không phải là người mắc nợ mà chỉ là cha mẹ, anh em, họ hàng của người mắc nợ, nhưng vẫn bị khủng bố đòi nợ cho bằng được.
Chỉ tay vào vết lõm trên cửa, bà T.P.P. (61 tuổi, ngụ đường Mê Linh, phường 19, quận Bình Thạnh) cho biết: “Tôi về ở tại con hẻm này đã gần chục năm. Cuộc sống bình yên, thuận hòa với lối xóm. Nhưng vừa rồi do cần tiền để kinh doanh, con tôi đã lén gia đình mượn nợ nhóm cho vay nặng lãi. Khi không còn khả năng chi trả nợ, con tôi bỏ trốn. Kể từ đó, cuộc sống gia đình tôi bị đe dọa nghiêm trọng. Cứ vài ngày, có một nhóm thanh niên đến tìm con tôi. Khi biết nó bỏ trốn thì họ tạt mắm tôm, tạt sơn vào nhà. Vợ chồng tôi sợ không dám mở cửa thì bọn chúng hung hăng dùng búa tạ đập cửa nhà lõm sâu như vậy đó”.
Ông V.T.Đ. (65 tuổi, cán bộ về hưu, ngụ đường Nguyễn Văn Đậu, phường 7, quận Bình Thạnh) cũng rầu rĩ cho hay: “Cuối tháng 4, tôi phát hiện con bị bất tỉnh ở phòng riêng. Sau khi đưa đi bệnh viện cứu sống được mới hay nó vay tiền của nhóm cho vay nặng lãi. Do không có tiền trả nợ, bị khủng bố, sợ bị giết, nó đã tự tử. Tôi xoay xở trả được gần 2 tỷ đồng, nhưng bọn chúng vẫn chưa chịu. Sau khi trình báo với công an, con tôi bỏ trốn. Kể từ đó đến nay, đến lượt tôi liên tục bị nhóm người đó đe dọa. Họ đã 15 lần tạt mắm tôm, sơn bẩn vào nhà. Việc sửa chữa, sơn lại nhà cửa tốn kém rất nhiều. Tội nghiệp mẹ tôi, năm nay hơn 90 tuổi, đã phải đi cấp cứu nhiều lần do quá sợ hãi”.
Một số băng nhóm đòi nợ thuê còn có các hoạt động biến tướng, không chỉ làm dịch vụ đòi nợ tiền, mà làm cả dịch vụ đòi nợ tình, đánh ghen, tranh chấp tài sản… Tuần trước, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7) bị đe dọa nghiêm trọng. Bà Hồng, cho biết: “Khoảng 23 giờ ngày 7-10, nhóm thanh niên khoảng 4 tên đã ném chai xăng vào nhà tôi. Rất may, người hàng xóm phát hiện và tri hô nên nhóm này chưa kịp đốt giấy quăng vào. Căn nhà có dãy phòng trọ phía sau, hậu quả sẽ không lường hết được, nếu đêm đó xảy ra vụ cháy”. Nay gia đình bà Hồng và những người dân ở lân cận vẫn đang sống trong nỗi lo sợ. Các tin nhắn, cuộc gọi đe dọa vẫn liên tục gọi đến điện thoại của con bà Hồng.
Không thể để lộng hành
Việc cho phép dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động hợp pháp đã tạo kẽ hở để các băng nhóm xã hội đen núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, tạo vỏ bọc để tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tiền, trả thù trả oán bằng thủ đoạn đe dọa, uy hiếp, gây phức tạp về an ninh trật tự, gây bất an đời sống người dân. Do vậy, UBND TPHCM đang kiến nghị đưa loại hình dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Có ý kiến cho rằng việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê là không hợp lý, không thể cứ không quản được thì cấm. Thực ra khi có tranh chấp, các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc để tòa án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật; không nên cho phép dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động.
Thực tế đã có nhiều vụ đòi nợ trái pháp luật, gây sợ hãi, nguy hiểm cho người dân, mất uy tín cho nạn nhân và gia đình nạn nhân, gây bất an ở khu dân cư. Trước mắt, trong khi chưa có quy định đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, chính quyền và công an cần tăng cường kiểm soát chặt hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê, kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Không thể xem việc băng nhóm đòi nợ thuê thô bạo đe dọa, uy hiếp, cưỡng đoạt tài sản của người mắc nợ là chuyện quan hệ dân sự, đó là những hành vi phạm pháp phải bị xử lý pháp luật.