Trong tuần qua, vào ngày 23-4 - Ngày “Sách và bản quyền thế giới”, tại Việt Nam đã có nhiều hoạt động được tổ chức: Triển lãm sách ở Thư viện Quốc gia Hà Nội; cuộc vận động “Một cuốn sách của Sachhay.com” khai trương tưng bừng ở khách sạn Kim Đô (TPHCM); tại Trường Đại học Tiền Giang, đông đảo sinh viên đã tham gia chuyên đề về sách và bản quyền… Thế nhưng, dường như việc tôn trọng bản quyền ở Việt Nam cũng còn nhiều điều phải bàn.
Cũng trong tháng 4 này, sự kiện vịnh Hạ Long bị bóc khỏi danh sách bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới vì vi phạm các quy định về bản quyền của Ban tổ chức đã làm cho chúng ta ít nhiều sực tỉnh về luật chơi thế giới.
Nước ta là một nước nghèo, đang từng bước phát triển. Tỷ lệ bản sách trên đầu người còn khá thấp so với khu vực và thế giới. Điều này chưa hẳn là lực cản để Việt Nam hội nhập cùng thế giới mà lực cản chính là tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam.
Việc băng đĩa lậu bày bán công khai trong những shop CD sang trọng, các đài truyền hình địa phương thoải mái sử dụng phim của Đài Truyền hình Trung ương đã phát trên các sóng mà không có hợp đồng sử dụng bên cạnh sự hình thành các phố sách, chiếu sách lậu ở Đinh Lễ - Nguyễn Xí - Đường Láng (Hà Nội), trên lề đường ở TPHCM và trong một số hiệu sách ở các tỉnh… là một minh chứng khá hùng hồn về tình trạng vi phạm bản quyền ở nước ta.
Bản quyền vừa có giá trị tinh thần và giá trị vật chất, vừa là uy tín, là tài sản của cá nhân tác giả và các tổ chức thực hiện với bao công sức và chi phí. Vì lợi ích của một vài người, vài bộ phận, người ta sẵn sàng cướp công của người khác (bản quyền) để thu lợi cho riêng mình, từ một vài nghìn đồng (một bản sách) đến hàng triệu, hàng tỷ đồng (nhiều đầu sách, nhiều lô hàng).
Đã đến lúc chuyện xâm phạm bản quyền không còn là chuyện nói cho vui miệng, sướng tai. Nó phải được các cơ quan nhà nước ở lĩnh vực này thực thi nghiêm chỉnh, bởi luật lệ nước ta đã khá rõ ràng.
Và bạn đọc, những người sử dụng sản phẩm mang giá trị sở hữu trí tuệ, hãy sử dụng chính phẩm, không mua hàng lậu, hàng nhái… như vậy là góp phần vào việc tôn trọng bản quyền của người trong nước và ngoài nước
BÁ TÁN