Chuyện 15 ngày làm tình nguyện tại Lào

Tình nguyện hè tại nước CHDCND Lào là hoạt động thường niên do Thành đoàn TPHCM thực hiện với sứ mệnh kết nối, xây dựng và vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào. Năm 2024 cũng đánh dấu kỷ niệm 20 năm chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên TPHCM tại nước CHDCND Lào (2004-2024).

Bạn bè mới, bài học mới

Hoạt động tình nguyện hè của Thành đoàn TPHCM tại nước CHDCND Lào ra quân vào ngày 15-6 tại Nhà Thiếu nhi thành phố. Đội hình chiến sĩ tình nguyện có 15 ngày hoạt động tại tỉnh Attapeu và tỉnh Champasak, nước CHDCND Lào. Sau 18 giờ di chuyển, cả đoàn đã có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và làm thủ tục xuất nhập cảnh, chính thức đặt chân lên địa phận nước bạn.

Trong những ngày ở đây, đội hình đã thực hiện nhiều hoạt động: khám bệnh, phát thuốc miễn phí người dân; tổ chức sân chơi và tặng quà cho thiếu nhi địa phương; tổ chức sơn vẽ và thi công sân chơi; tập huấn kỹ năng chuyên môn về khởi nghiệp và nông nghiệp cho thanh niên, người dân địa phương…

Đáng chú ý, các chiến sĩ của đội hình tình nguyện đã thực hiện 3 công trình sơn vẽ. Trong đó, có 2 công trình sơn vẽ kết hợp sân chơi trong nhà và 1 công trình sơn vẽ ngoài trời. Là người chịu trách nhiệm chính về công trình sơn vẽ, Trần Thị Hoa Hạ (sinh viên năm 3, trường Đại học Mỹ thuật TPHCM) ấn tượng đặc biệt với bức vẽ mà cả đội thực hiện tại trường Tiểu học KM43, huyện Pathoumphone, tỉnh Champasak. Hoa Hạ cho biết, đội sơn vẽ cùng với sự giúp sức của các đội khác đã hoàn thành công trình trong 1 ngày rưỡi - thời gian nhanh kỷ lục so với 2 công trình trước đó. Khi nhìn ngắm lại công trình đã hoàn thành, Hoa Hạ rất vui khi góp phần mang đến một không gian học tập, vui chơi tốt hơn cho các em nhỏ tại địa phương. Chuyến đi cũng giúp Hoa Hạ kết giao với những người bạn mới và học hỏi thêm nhiều điều.

Được đơn vị cử tham gia lần thứ 2 nên Trần Minh Đạt, sinh viên năm 2, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) làm quen khá nhanh khi đặt chân đến đất nước Triệu voi. Trong những ngày hoạt động, để giao tiếp với các em thiếu nhi, Minh Đạt đã học vài câu giao tiếp đơn giản như cách gọi các em lại chơi cùng, ăn kẹo bánh… Do khác biệt về ngôn ngữ nên khi muốn các em chơi cùng, Minh Đạt sẽ làm mẫu cho các em hiểu ý và làm theo. Minh Đạt kể, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi hoạt động tại trường Hữu nghị Việt - Lào, tỉnh Champasak. Các bé thiếu nhi tại trường đã hát vang bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

“Tôi rất xúc động khi nghe các em hát và cảm nhận được sự kết nối giữa hai quốc gia và lòng kính yêu Bác Hồ của nhân dân Lào”, Minh Đạt chia sẻ.

Dấu mốc không quên của một thời sinh viên

Tham gia trong đội hình tình nguyện hè tại nước CHDCND Lào lần này còn có 8 sinh viên của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Đội hình thực hiện nhiệm vụ sư phạm thông qua hoạt động dạy tiếng Việt tại trường Đại học Champasak và tập huấn nghiệp vụ sư phạm tại trường Hữu nghị Việt - Lào, tỉnh Champasak. Các hoạt động tại trường Hữu nghị Việt - Lào được thực hiện nhằm hướng tới các thầy cô và học sinh từ khối lớp 1-5 là con em kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại TP Pakse, tỉnh Champasak.

F6c.jpg
Đội hình trường Đại học Sư phạm TPHCM hướng dẫn các em học sinh vẽ trang trí áo dài

Nguyễn Thị Trúc Lam (sinh viên năm 4, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết, rào cản ngôn ngữ là khó khăn lớn nhất. Điều này khiến đội hình chưa thể truyền tải trọn vẹn các nội dung. Tuy nhiên, Trúc Lam cùng các thành viên trong đội luôn cố gắng hết sức. Được nghe tiếng Việt tại một quốc gia khác và được nhìn thấy cách thầy cô giáo nơi đây vẫn đang gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt đến các thế hệ học sinh là điều vô cùng đáng trân trọng đối với mỗi chiến sĩ tham gia tình nguyện.

Ngoài ra, đội hình còn có hoạt động giới thiệu văn hóa Việt Nam qua các trang phục và lễ hội truyền thống đến với học sinh và người dân Lào. Là người trực tiếp đứng trên bục giảng hướng dẫn các học sinh, Trúc Lam cảm nhận được nhiều tình cảm từ các em. Trong đó, Trúc Lam đã được một cô bé tên Linh Đan vẽ tặng một bức tranh.

Trúc Lam kể: “Linh Đan là em bé nói tiếng Việt rất giỏi. Chắc vì yêu mến mà em đã vẽ tặng tôi bức tranh lúc tôi đang dạy”. Cô bày tỏ: “Nhìn lại hành trình 15 ngày qua, mỗi lần đứng lớp dạy tiếng Việt cho học sinh người Lào và người Lào gốc Việt là mỗi lần tôi cảm thấy vô cùng tự hào với sứ mệnh mang tiếng Việt, văn hóa Việt Nam đến gần hơn với các em học sinh tại quốc gia này”.

Trong những ngày cuối cùng của hành trình, các chiến sĩ tình nguyện đã có buổi gặp gỡ Tổng Lãnh sự nước CHXHCN Việt Nam tại nước CHDCND Lào. Đây là niềm tự hào to lớn của tất cả các chiến sĩ trong đội hình.

Trở về TPHCM sau 15 ngày hoạt động, những trải nghiệm tại nước bạn là kỷ niệm đáng nhớ với các chiến sĩ. Đối với Quỳnh Như (sinh viên năm 3, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM), chuyến đi đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm thực tế trong công tác truyền thông. Quỳnh Như cũng học hỏi thêm về kỹ năng giao tiếp, sinh hoạt và trân trọng những quan tâm, san sẻ mà các thành viên trong đoàn dành cho nhau. Có thể nói, 15 ngày tình nguyện ở nước CHDCND Lào là một trong những dấu mốc đặc biệt nhất thời sinh viên của các chiến sĩ tham gia tình nguyện.

Tin cùng chuyên mục