1. Đám trẻ như tôi, đặc biệt là mấy cô gái chưa chồng, những ngày này tâm hồn ít nhiều đang nghĩ về mấy cửa hàng quần áo, giày dép, túi xách, tiệm làm tóc và nếu phải mua sắm tết thì hẳn là khoái đi siêu thị máy lạnh, hàng hóa bao la, tha hồ lựa chọn. Nhưng đó là chuyện của đám trẻ nhí nhố, còn má tôi mấy ngày này thích đi chợ, đi tạp hóa hơn hẳn.
Hôm qua, ăn cơm chiều, nghe má nói: “Nồi canh khoai mỡ này là dì Tư cho đó nha, cả năm nay tao chỉ mua rau cải, hàng bông chỗ bả. Nay ghé mua củ khoai mỡ nấu canh, bả tặng luôn, chút quà cuối năm cho vui”.
Cái chợ xã nhỏ xíu, ai mà hông biết dì Tư buôn bán dễ chịu nhất vì mua củ khoai dì thêm cọng ngò, mua bí mua bầu là dì thêm cọng hành để nấu canh cho thơm, cho ngọt. Bữa nào đi chợ quên đem tiền, dì Tư cũng bán chịu luôn, còn bữa nào mua nhiều là dì tính chẵn, lẻ mấy ngàn thì coi như thêm cho khách chứ không tính. Dì Tư hay nói, bán lời ít chút nhưng khách mua mau lẹ, cái sạp rau chợ xã lời lãi hông có bao nhiêu vậy mà tết là quà cáp đầy đủ hết; củ khoai, trái bí cũng là cái tình vì cả năm đã ủng hộ dì Tư.
Vậy là một vòng đi chợ những ngày cuối năm của má tôi được khá nhiều quà tết, củ khoai dì Tư tặng; chai dầu ăn, chai nước tương, tiệm tạp hóa biếu. Má nói: “Cứ mua quen cả năm thì cuối năm người ta gửi chút quà lấy thảo, không lấy là họ giận. Một chút xíu cũng là cái tình cái nghĩa cuối năm, đó cũng là cách để giữ khách ủng hộ mình, buôn bán hơn nhau chỗ đó”.
Và khi dương lịch sắp hết tháng 12, nhiều người ghé lại tiệm vàng để lấy lịch. Vàng thì không thể mua mối hay mua mỗi ngày như đi chợ được, nhưng cái làng, cái xã nhỏ xíu, cả năm ai mua 5 phân hay một chỉ, chủ tiệm đều nhớ và cuối năm ghé lại không cần nói gì nhiều, chủ tiệm tặng ngay cuốn lịch. Nhiều tiệm vàng ăn khách ở chỗ lịch tết đẹp, người này khen truyền tai người kia, vậy là lúc cần mua thì ghé ngay tiệm đó.
2. Những năm còn là sinh viên, cạnh trường tôi có quán cơm của cô Hoa, quán cơm thì không có tên nhưng trước cửa trồng cây bàng nên lớp tôi quen gọi là cơm cây bàng. Mấy ngày gần tết, cô Hoa hay hỏi thăm: “Chừng nào bây nghỉ tết, có đặt vé về quê chưa?”. Cô Hoa hỏi để biết cái chừng và trước ngày mấy đứa nghỉ học, cô Hoa đãi một bữa trưa miễn phí, còn có thêm canh chua cá lóc.
Quán cơm trưa của cô Hoa đông khách vì sạch sẽ, cơm thêm miễn phí, giá cũng mềm hơn mấy chỗ khác khoảng 5.000 đồng. Giờ trưa là đông nghẹt khách từ sinh viên, nhân viên văn phòng, thợ công trình… nhưng cô Hoa chỉ dành ưu tiên cho đám sinh viên một bữa cuối năm, vì theo cô, mấy anh chị văn phòng, mấy chú thợ công trình họ có thu nhập, ăn cơm mà không lấy tiền người ta ngại, cuối năm chỉ thêm mỗi phần cơm khứa cá, miếng thịt là vui vẻ hai bên. Bữa cơm trước ngày nghỉ tết cũng đầy đủ món như thường ngày nhưng tự nhiên thấy trong lòng vui đến lạ. Không phải vì bữa cơm này cô Hoa không tính tiền, mà chính cái tình cảm của cô Hoa khiến người ta thấy bữa cơm trưa đong đầy tình nghĩa.
Thật ra thì cô Hoa có tính hay không tính tiền bữa cơm này, năm sau đám sinh viên vẫn ghé ăn thôi, vì sinh viên mà, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Nhưng với các bạn ở tỉnh xa đến thành phố học thì những bữa cơm cuối năm của cô Hoa lại càng cảm động và trân quý. Một chút gì đó giữa những người xa lạ dành cho nhau trong những ngày cận kề năm mới, làm người ta dù có đi xa mấy vẫn cứ lưu luyến mảnh đất này, đôi khi nhắc nhớ về nhau cũng bởi một bữa cơm, một chút tình năm cũ.
3. Trong những ngày hết năm, với những quán cơm 2.000 đồng, cháo miễn phí… cái tình, cái nghĩa lại hiện hữu rõ rệt hơn. Chỉ vào chai dầu ăn để trên bàn, cô Hồng Nhung (55 tuổi, phụ trách quán cơm 2.000 đồng trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TPHCM) nói: “Đã nói không lấy mà bả cứ bỏ đó rồi đi một nước. Thiệt tình hà, thấy thương gì đâu”.
Chai dầu ăn, gói bột nêm, chai nước tương… được cô Nhung cẩn thận mang cất vào tủ. “Chai dầu ăn chứ cũng phải chắt góp lắm, mua ve chai thì mỗi ngày lời lãi bao nhiêu đâu mà cứ nhất định cuối năm là bả để lại chút quà cho quán mới chịu. Năm nào gần tết cũng dặn mọi người tới ăn, năm sau ghé ăn tiếp là quán vui rồi, vậy mà người thì gửi tụng gạo, thùng mì, người gửi dầu ăn, nước tương… Quý lắm!”, cô Nhung kể.
Cũng không cần phải có điều kiện hay dư dả gì, những ngày cuối năm, có thứ gì nhiều một chút, người ta cũng nghĩ đến chuyện chia sẻ cho những người khó khăn hơn mình. Chụp hình đôi giày mới mua còn nguyên tem mạc, đựng trong hộp cẩn thận và chia sẻ vào nhóm “Freecycle Saigon - Nơi cho tặng đồ hoàn toàn miễn phí”, chị Thu Linh (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) để lại dòng chia sẻ: “Giày size 37, mới 100% mình mua dư để tặng cho bạn sinh viên nào cần, coi như quà cuối năm để đón tết nha mọi người”.
Thường chia sẻ đồ dùng gia dụng, quần áo cũ lẫn mới vào nhóm cho những ai cần thì liên lạc để nhận, chị Linh kể: “Tôi có tặng đồ vài lần rồi, trong nhóm nhiều bạn sinh viên hoặc mới ra trường, được tặng vài món đồ nhỏ như cái túi hay xoong, chảo, các bạn vui lắm. Hôm qua, sẵn dịp đi mua đồ, giày dép đang mùa giảm giá cuối năm, nên tôi mua dư một đôi, chia sẻ vào nhóm, hữu duyên tặng lại cho bạn nào cần để làm quà tết. Một món quà nhỏ cuối năm, nhưng với nhiều người là cả niềm vui”.
Cũng như chị Linh, vừa tặng một bạn sinh viên cái ba lô mới, chị Hoàng Phương Nghi (29 tuổi, ngụ quận 12) chia sẻ: “Với mình, đi làm rồi thì giá cả không đáng bao nhiêu, nhưng mấy bạn sinh viên còn đi học, tiết kiệm được khoản nào thì mừng lắm. Bạn tới nhận ba lô cảm ơn không ngớt, tôi soạn lại đồ rồi tặng bạn đó thêm cái áo mới làm quà tết luôn, món quà nhỏ nhưng cả người tặng lẫn người nhận đều thấy vui”.
Cũng bởi “tết mà!”, những ngày cuối năm dù bận rộn, cuộc sống đầy đủ hay còn khó khăn thì người ta luôn muốn dành cho nhau một chút gì đó như cái tình của năm cũ. Một chút quà, một chút nghĩa, một chút tình, một chút san sẻ... cứ thế mà niềm vui ít nhiều lan tỏa, để người ta cảm thấy một mùa xuân thật đầm ấm đang gần kề.