Đó là một trong mấy tấm hình đã ố vàng mà tôi vừa tình cờ tìm thấy ở cuốn album ảnh cũ. Còn kha khá những hình ảnh mà thời nay rất hiếm gặp. Đơn giản, ngây ngô, cả buồn cười. Kiểu như bé Út nhà tôi đang… ôm gốc dừa, các cô bạn tuổi chớm thiếu nữ đều ngồi ngay ngắn trên thảm cỏ, co chân, nghiêng đầu đúng chuẩn làm điệu. Thế thôi. Chứ làm gì có thả tim hay đưa hai ngón tay hình chữ V nhí nhố như bây giờ.
Bỗng nhớ ngày xưa, má tôi thi thoảng lại mời thợ chụp ảnh dạo đến chụp hình cho cả gia đình. Đấy có thể là một ngày mùng hai, mùng ba tết, hoặc là mùa hè, hay sau đợt mới bán lúa, bán heo nào đấy, nhà có chút tiền. Lũ chúng tôi chẳng mấy hào hứng với việc không đi đâu vẫn phải mặc quần áo đẹp, phải chải tóc cột nơ rồi đứng ngồi theo chỉ đạo của ông nhiếp ảnh gia. Mà ông nhiếp ảnh gia chảnh chọe ấy cũng đâu phải ai xa lạ, thường là người kiêm nhiệm chứ ít ai sống hẳn với nghề chụp hình. Em gái tôi lầu bầu, chụp hình xong, vừa mệt lại tốn tiền nhưng… chẳng ăn được. Vậy mà má tôi say sưa ngắm nghía, nhận xét khen chê với vẻ nâng niu, cất giữ kỹ lưỡng trong cuốn album to bự màu mè mỗi năm mỗi dày thêm…
Hồi đó, giới trẻ lấy hình dán vào mấy cuốn nhạc, cuốn lưu bút, cuốn thơ, cuốn sổ bìa cứng tặng nhau. Tặng hình cho ai chính là tín hiệu, là một cử chỉ mà hiện tại thiên hạ gọi là “thả thính”. Là tôi muốn lưu giữ kỷ niệm với anh, với em, với thời áo trắng học trò, với những ngày thanh xuân hoa mộng của mình. Trước khi đi học xa, rời nhà lên phố, lấy chồng nước ngoài… thường sẽ tỉ mẩn bồi hồi lựa tìm xem có tấm hình nào mình xinh xắn ưa nhìn, lãng mạn, đẹp trai, phong độ để tặng cho ai kia.
Vụt cái, mà mấy mươi năm trôi qua. Thời chụp ảnh bằng máy cơ, có cuộn phim, sợ tốn sợ hư lùi dần vào dĩ vãng. Máy kỹ thuật số cũng chịu chung số phận, lép vế so với các thể loại siêu mỏng, siêu nét, siêu xịn hiện đại. Đặc biệt là sự ra đời mạnh mẽ, nhanh chóng của điện thoại di động. Nên còn mấy ai chụp hình rồi mang đi rửa, in lớn ra, lộng kiếng, chưng ở phòng khách cơ chứ. Còn người nào tha thiết ngồi làm một bộ sưu tập bằng giấy, có thể chạm tay, có thể đụng vào, có thể cầm lên mà đắm đuối ngắm nhìn…
Thuở ấy, hình muốn in là cùng một khổ giấy quy định. Sau mới dần có kích thước to nhỏ khác. Cỡ ảnh bé xíu, ép nhựa rồi treo vào gắn chìa khóa từng khiến lũ học trò mê mẩn. Cùng với khăn tay thần thánh, những tấm hình dấm dúi ấy cũng đã phai mờ trong thói quen của những người trẻ bây giờ, trở nên lạc lõng vô cùng.
Nhờ những lần chụp ảnh gia đình đó mà chúng tôi may mắn còn chút ký ức về tuổi thơ, về cha mẹ ông bà, về lúc mình còn bé mọn. Về ngôi nhà cũ dưới quê nay đã bán. Về con chó phèn, chó mực quanh quẩn dưới chân, dính luôn vô trong hình. Nhiều tấm ảnh tư liệu quý báu, khiến ta phải rưng rưng hiểu rõ sự tàn nhẫn của thời gian. Như khi bắt gặp hình cưới của ông bà ngoại, hay cảnh bố đang ẵm cậu con trai đầu lòng chẳng hạn.
Bây giờ, còn mấy ai quan trọng nhớ tới việc chụp ảnh gia đình. Nhìn quanh luôn sẵn có điện thoại thông minh loại xịn miễn phí. Bộ nhớ lớn, tha hồ lưu trữ. Thế nhưng, được bao nhiêu người thi thoảng mở cái kho ảnh ngập ngời ấy ra, bồi hồi trước năm tháng đã lùi vào dĩ vãng, nhớ xem trong nhà ai còn ai mất, ai nhớ ai quên rồi nâng niu chút êm ấm tình thân ruột rà…
Nhà bạn có còn giữ được tấm hình nào của hồi xa xăm đó hay không?