Sức hấp dẫn từ các giọng ca trẻ
Sau khi đêm thi chung kết 3 khép lại, ba thí sinh có số điểm cao nhất gồm: Dương Thị Mỹ Nhung (sinh năm 1997, An Giang), Nguyễn Hùng Vương (1994, Bến Tre) và Lê Hoàng Nghi (2003, Kiên Giang), đã cùng nắm tay nhau bước tiếp vào đêm thi chung kết và trao giải cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ năm 2024. Theo đánh giá của giới chuyên môn, cả 3 thí sinh đều đã tạo được dấu ấn nổi bật, từ việc tự tin trình diễn tốt kỹ thuật ca, cách luyến láy nhịp nhàng, vững chắc, giữ được làn hơi đến chất giọng khỏe, ca diễn có cảm xúc trong từng trích đoạn cải lương.
Trong số 3 thí sinh, có 2 người được xem là dày dạn kinh nghiệm thi Chuông vàng Vọng cổ. Đó là Nguyễn Hùng Vương và Dương Thị Mỹ Nhung, bởi cả hai đều lần thứ 3 tham gia cuộc thi. Ở lần thi này, Nguyễn Hùng Vương đã gây ấn tượng với ban giám khảo khi thể hiện hình ảnh chàng thanh niên Trần Ai trong trích đoạn Mưa nguồn với những mâu thuẫn trong nội tâm giữa việc tìm lại nguồn cội và chữ hiếu với người đã nuôi dưỡng mình trong những lúc khó khăn. Còn Mỹ Nhung, với chất giọng thanh, cao, ca hay, biết xử lý kỹ thuật, luyến láy nhịp nhàng, lối diễn xuất duyên dáng, tự nhiên, cô đã giành trọn cảm tình của ban giám khảo và khán giả trong đêm thi diễn với trích đoạn trong tác phẩm Ngược gió.
Là thí sinh nhỏ tuổi nhất và cũng là lần đầu tham dự Chuông vàng Vọng cổ nhưng Lê Hoàng Nghi đã gây thiện cảm với khán giả bằng giọng trầm ấm, làn hơi mạnh mẽ, nam tính, ca chắc nhịp trong trích đoạn Hiu hiu gió bấc. “Cho đến nay, đây là cuộc thi lớn nhất tôi từng tham gia. Vì thế, vào được vòng chung kết với tôi đã là điều may mắn. Vậy nên, có nhận được giải gì đi nữa, tôi cũng rất vui và hạnh phúc”, Lê Hoàng Nghi chia sẻ.
Hành trình đến với sân khấu chuyên nghiệp
Năm nay là năm thứ 19 cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ được Đài Truyền hình TPHCM (HTV) chú trọng tổ chức. Vào những ngày chủ nhật trong tháng 9 hàng năm, cuộc thi luôn tạo nên làn sóng thi diễn và thưởng thức nghệ thuật truyền thống dân tộc đặc sắc, thu hút nhiều khán giả mộ điệu đến xem trực tiếp tại phim trường hay thưởng thức qua màn ảnh nhỏ.
Sức hấp dẫn của cuộc thi không dừng lại là một chương trình truyền hình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn góp phần quảng bá, gìn giữ, phát huy và lan tỏa các giá trị nghệ thuật của sân khấu truyền thống, nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương. Bên cạnh đó, cuộc thi còn là nơi để tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố tài năng, có tố chất, đam mê nghệ thuật.
NSND Trọng Phúc, thành viên Ban giám khảo, chia sẻ: “Tôi vui mừng vì năm nay cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ có nhiều thí sinh trẻ tham gia thi tài và các em đã cho thấy tinh thần cầu tiến, chăm chỉ học hỏi, rèn luyện, tiến bộ qua từng bài thi diễn. Năm nay, tiêu chí của cuộc thi cũng có sự đổi mới, đòi hỏi thí sinh phải hội đủ tố chất về ca và diễn. Với tiêu chí này, ở cuộc thi, các em được huấn luyện viên hướng dẫn, truyền dạy thêm về nghề giúp các em thêm vững vàng để đi tiếp con đường nghệ thuật mà các em đam mê”.
NSND Phượng Loan, huấn luyện viên cho các thí sinh, tâm tư: “Ở vai trò của mình, tôi luôn động viên thí sinh phải tự tin, đừng đặt nặng vấn đề giải thưởng, chỉ cần tập trung hết sức cho tiết mục thi, có như vậy các bạn mới có thể trình diễn hết những gì tâm huyết. Với 3 thí sinh vào vòng chung kết xếp hạng, tôi thấy được tố chất, sự yêu nghề, sự ham học hỏi của các em, vì thế tôi luôn sẵn sàng để truyền lại cho các em những kinh nghiệm mà tôi có được trong mấy chục năm làm nghề”.
Đặt niềm tin với cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ, nhiều nghệ sĩ bày tỏ mong muốn cuộc thi được tiếp tục duy trì dài lâu. Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ cũng đề xuất ban tổ chức xem xét thay đổi định dạng, cách thức thực hiện, có thể 2 năm tổ chức một lần, để nhân tố trẻ, tài năng lĩnh vực tài tử, cải lương nhiều hơn, chất lượng cao hơn. Từ cuộc thi, các nghệ sĩ trẻ có thể tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức để đến gần hơn với sân khấu chuyên nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống.