Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020), Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 4 dự án luật khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành 1 dự án pháp lệnh (là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng) tại phiên họp tháng 8-2020.
Về Chương trình năm 2021 (là năm chuyển giao nhiệm kỳ, gồm 3 kỳ họp). Tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2021), Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật (đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10); không cho ý kiến đối với dự án nào. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7-2021) chỉ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; không cho ý kiến đối với dự án nào. Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10-2021), Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với 6 dự án luật; không thông qua dự án nào.
Theo Chương trình cuối năm 2020, số lượng các dự án được trình, xem xét không nhiều, nhưng lại tập trung ở một số cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi bộ phụ trách 2 dự án trình thông qua. Bộ Công an phụ trách 2 dự án (trong đó có 1 dự án trình thông qua và 1 dự án trình cho ý kiến); Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, mỗi bộ phụ trách 1 dự án trình thông qua…”, ông Hoàng Thanh Tùng lưu ý.
Ngoài các dự án đã được đưa vào Chương trình, vẫn còn một số dự án cần được bổ sung vào Chương trình như dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và một số dự án khác để triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội và để thực thi cam kết trong các điều ước quốc tế đã được Quốc hội phê chuẩn...
Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, cho tới thời điểm hiện nay, Chương trình năm 2020 sau khi được Quốc hội thông qua đã được điều chỉnh 5 lần, trong đó 3 lần Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh bổ sung 7 dự án vào Chương trình theo đề nghị của Chính phủ và các cơ quan đều vào thời điểm gần sát kỳ họp, thậm chí có dự án được đề nghị đưa vào Chương trình khi đang diễn ra kỳ họp Quốc hội. Điều này đã thực sự gây khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc tiếp cận tài liệu, nghiên cứu, thẩm tra, xem xét đối với dự án, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của dự án khi xem xét, thông qua. “Đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình để trình Quốc hội gần thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội”, người đứng đầu Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn kiến nghị.
Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL), có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến quy trình, thủ tục và hồ sơ dự án. Uỷ ban Pháp luật đề nghị các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật BHVBQPPL năm 2015, đặc biệt cần lưu ý khắc phục các bất cập đã được nhiều vị đại biểu Quốc hội chỉ ra trong công tác thực hiện Chương trình như về hoạt động tổ biên tập, ban soạn thảo, bảo đảm thực chất trong đánh giá tác động của chính sách, việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, nhất là các đối tượng chịu sự tác động của văn bản; thực hiện tốt việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay từ khâu soạn thảo để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Từ năm 2021, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHVBQPPL thì đây sẽ là một trong những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện trong giai đoạn soạn thảo.