Chương trình Kể chuyện nghìn năm - Chuyện Sài Gòn nằm trong dự án văn hóa được thực hiện dài hơi, với mục đích góp phần quảng bá không gian văn hóa bản địa đến khán giả trong và ngoài nước.
Chương trình đã ra mắt trong đợt biểu diễn đầu tiên vào những ngày cuối tháng 10-2024, trong không gian nghệ thuật đương đại Lotus Gallery, quận 7, với gần 300 khách đến tham gia trải nghiệm không gian văn hóa nghệ thuật độc đáo, mới lạ này.
Phát huy thành quả đã đạt được, ban tổ chức tiếp tục thực hiện đêm diễn tại Viện Trao đổi Văn hóa Pháp, nhằm đem đến một không gian văn hóa - giải trí đặc biệt cho đông đảo khán giả TPHCM và du khách quốc tế.
Tại sảnh sân khấu Idecaf, khán giả đến với chương trình đã cùng thưởng lãm hội họa với 11 bức tranh màu nước của họa sĩ Hải Tre và 20 bức tranh làm từ đất của nghệ sĩ thị giác Phương Giò. Sau đó, các khán giả vào bên trong sân khấu để thưởng thức những màn trình diễn âm nhạc và nghệ thuật độc bản cuốn hút, với sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn và Nguyễn Quang Sự.
Theo ban tổ chức, chương trình Kể chuyện nghìn năm - Chuyện Sài Gòn sẽ được thực hiện mỗi tháng một lần để giới thiệu không gian văn hóa đậm chất Việt, chất Sài Gòn – TPHCM, với nhiều loại hình nghệ thuật sẽ được lần lượt trình diễn, giới thiệu đến công chúng.
Trong chương trình tối 15-1, khán giả đã cùng thưởng thức nhiều màn trình diễn hòa nhạc hấp dẫn của các nghệ sĩ: hòa tấu Đâu đó, Đó, A día, Tính ta, Bốn phương, Đó đây…
Ngoài các loại nhạc cụ được làm từ tre, được các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu còn có cây Đàn Đó - cây đàn đầu tiên do nhóm sáng chế ra, có hình dáng giống cái đó bắt cá, nên được đặt tên Đàn Đó. Đàn có 5 dây, dùng “da” của cây tre để làm đàn. Đặc biệt, trong chương trình nghệ thuật, Đàn Đó vừa là bộ nhạc cụ, đạo cụ, vừa là nhân vật dẫn chuyện cuốn hút.
Ngoài ra, nhóm nhạc còn thực hiện trống chum, đàn niêu, trống nước, sáo nước, trống lăn… làm từ tre, sành, đất nung. Đáng chú ý là các nhạc cụ đã khai thác hiệu quả các tính năng, biểu cảm của tre và đất trong âm nhạc.
Sau suất diễn tối 15-1 tại TPHCM, ban tổ chức sẽ đưa chương trình đến Huế với buổi biểu diễn đầu tiên vào ngày 8-3 tại Menas Zone Vỹ Dạ Huế, và tiếp theo đó, các suất diễn sẽ sáng đèn thường xuyên từ ngày 20-4 đến ngày 30-9-2025.
Năm 2012, nhóm nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Sự, Trần Kim Ngọc trở về nước sau bốn năm cùng lưu diễn ở châu Âu trong khuôn khổ chương trình xiếc đương đại Làng tôi. Sau đó, tại một xưởng làm việc ở Gia Lâm, Hà Nội, nhóm nghệ sĩ bắt đầu nghiên cứu và phát triển các nhạc cụ mới, chủ yếu làm từ tre - chất liệu quen thuộc gắn liền với văn hóa và đời sống người Việt.
Trong giai đoạn này, nhóm nhạc đã đón nhận thêm thành viên mới là nghệ sĩ thị giác Nguyễn Đức Phương, người ghi lại công việc của các nghệ sĩ qua tranh vẽ, từ đó tìm ra bước ngoặt của thực hành nghệ thuật.