Chương trình tư vấn hướng nghiệp đến với học sinh hơn 100 trường THPT tại TPHCM

Sáng 7-10, tại Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TPHCM), Tạp chí Giáo dục TPHCM phối hợp với Trung tâm Phát triển phía Nam (Bộ GD-ĐT), Sở GD-ĐT TPHCM, ĐHQG TPHCM tổ chức Lễ khai mạc chương trình hướng nghiệp "Cùng bạn chọn nghề cho tương lai" lần thứ 17 năm học 2024-2025.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục TPHCM, cho biết, hàng năm cả nước có hơn 1 triệu học sinh bước vào ngưỡng cửa chọn lựa ngành nghề.

Trong khi đó, ở bậc đại học, hàng năm có tỷ lệ lớn học sinh chọn sai ngành nghề phải chọn lại gây lãng phí thời gian và nguồn lực.

dfd8c6580a2eb370ea3f.jpg
Vấn đề được nhiều học sinh quan tâm nhất hiện nay là cơ hội ngành nghề sau khi ra trường

Trước thực tế đó, 17 năm qua, Chương trình hướng nghiệp "Cùng bạn chọn nghề cho tương lai" được tổ chức nhằm giúp học sinh có thêm thông tin, định hướng lựa chọn nghề phù hợp năng lực bản thân, sở thích cá nhân và điều kiện kinh tế của gia đình để có tương lai tươi sáng.

Ngoài ra, chương trình còn cung cấp, rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho học sinh trong quá trình hội nhập, giúp học sinh xây dựng mục tiêu, kế hoạch và tạo động lực trong quá trình học tập.

Đánh giá cao hiệu quả tích cực của chương trình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc bày tỏ, Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 có điểm mới so với chương trình trước đây là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được triển khai từ lớp 10, sau đó hoàn thiện nội dung kiến thức ở lớp 11 và 12.

fba6372afb5c42021b4d.jpg
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc phát biểu tại lễ khai mạc

"Tôi đề xuất chương trình cần nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia tư vấn, giúp học sinh có lựa chọn môn học phù hợp từ năm lớp 10, từ đó có thể yên tâm xác định kế hoạch học tập phù hợp trong 3 năm học cấp THPT. Công tác tư vấn phải đầy đủ, toàn diện, không chỉ giúp học sinh chọn ngành nghề phù hợp mà còn quan tâm các vấn đề về tâm lý, tiếp tục hỗ trợ học sinh sau tư vấn để đáp ứng tối đa nhu cầu của học sinh và phụ huynh", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nêu ý kiến.

Tại chương trình tư vấn, TS Lê Thị Thanh Mai, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp đánh giá, học sinh hiện nay đã thay đổi nhiều về nhận thức, không còn bằng mọi giá phải vào đại học mà nhiều em đã rẽ hướng học nghề để sớm có việc làm ngay khi tốt nghiệp.

e2530bdfc7a97ef727b8.jpg
Học sinh tham gia đặt câu hỏi tại chương trình

"Tôi rất vui khi thấy các em không còn chọn ngành nghề theo hướng cảm tính mà chủ động tham gia các hoạt động trải nghiệm "Một ngày làm sinh viên" do các trường đại học tổ chức. Năm 2024, tỷ lệ thí sinh không làm thủ tục sau khi trúng tuyển của TPHCM là 18%, giảm 1% so với năm 2023", TS Lê Thị Thanh Mai thông tin.

Ở góc độ khác, theo TS Tô Nhi A, trong quá trình học tập và tham gia hoạt động ở trường phổ thông hiện nay, học sinh được tham gia rất nhiều hoạt động trải nghiệm.

f30af38b3ffd86a3dfec.jpg
TS tâm lý Tô Nhi A đưa ra lời khuyên cho học sinh trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề

"Các em cần tranh thủ xem mình có năng khiếu, thế mạnh gì để từ đó đánh giá năng lực, sở trường của bản thân. Những năng lực này không thể hiện qua điểm số mà thông qua các kỹ năng về ngôn ngữ, tính toán, khả năng sáng tạo", TS Tô Nhi A gợi ý.

Năm nay, chương trình tư vấn sẽ diễn ra ở khoảng 100 trường THPT tại TPHCM và khoảng 500 trường ở gần 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Tây, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Tin cùng chuyên mục