Chương trình thuần Việt chờ “giờ vàng”

Có thể nói, chưa bao giờ các chương trình giải trí truyền hình (game show, truyền hình thực tế) mua bản quyền nước ngoài lại chiếm lĩnh các kênh truyền hình trong nước nhiều như thời điểm hiện tại. Lẽ đương nhiên, sự “thôn tính” sóng ấy đã đánh bật các chương trình Việt Nam ra khỏi tầm mắt theo dõi của khán giả nước nhà mỗi tối. Ngành sản xuất truyền hình Việt Nam sẽ như thế nào trong guồng quay của lợi nhuận và thị hiếu nhất thời ấy?
Chương trình thuần Việt chờ “giờ vàng”

Có thể nói, chưa bao giờ các chương trình giải trí truyền hình (game show, truyền hình thực tế) mua bản quyền nước ngoài lại chiếm lĩnh các kênh truyền hình trong nước nhiều như thời điểm hiện tại. Lẽ đương nhiên, sự “thôn tính” sóng ấy đã đánh bật các chương trình Việt Nam ra khỏi tầm mắt theo dõi của khán giả nước nhà mỗi tối. Ngành sản xuất truyền hình Việt Nam sẽ như thế nào trong guồng quay của lợi nhuận và thị hiếu nhất thời ấy?

        Chiếm lĩnh sóng

Minh chứng rõ nét nhất là VTV3, kênh truyền hình giải trí có lượng khán giả theo dõi nhiều nhất nước. Vào khung giờ vàng (20 - 21 giờ) các ngày trong tuần có thể điểm danh các game show như Đấu trường 100, Ai là triệu phú, Trò chơi âm nhạc, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Vua đầu bếp. Riêng trong hai ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật), khung giờ được mở rộng hơn với 4 chương trình là Chúng tôi là chiến sĩ, Giọng hát Việt nhí, Nhà thiết kế Việt NamGiọng hát Việt.

Tính chung, trong tuần có 9 game show và chương trình truyền hình thực tế, duy nhất Chúng tôi là chiến sĩ là chương trình sản xuất 100% trong nước, còn lại tất cả đều mua bản quyền nước ngoài và Việt hóa. Không chỉ Đài Truyền hình Việt Nam mà các đài truyền hình địa phương có lượng người xem đông đảo như Đài Truyền hình TPHCM hay Đài Truyền hình Hà Nội cũng tràn ngập chương trình truyền hình mua bản quyền của nước ngoài và cũng được ưu tiên phát sóng trong những giờ có tỷ suất người xem thuộc hàng cao nhất.

Chẳng thế mà có người đúc kết vui, tình trạng hiện tại là nhà nhà đua nhau mua bản quyền, người người đua nhau Việt hóa. Chưa kể, hàng loạt chương trình khác canh me một chương trình nào đó “sẩy chân” để chen vào. Việt Nam thực sự đã trở thành một trong những thị trường mua bán bản quyền chương trình truyền hình hấp dẫn với các đối tác nước ngoài. Bằng chứng là hầu như tất cả các chương trình nổi tiếng trên thế giới đều đã hiện diện trên sóng các đài truyền hình tại Việt Nam.

Thẳng thắn nhìn nhận, sự lép vế của các chương trình Việt Nam phần lớn do trình độ và công nghệ ngành sản xuất truyền hình trong nước hiện còn quá yếu. Không có nhiều ý tưởng đột phá, hình thức thể hiện đơn điệu, cũ kỹ, sản xuất theo kiểu “mì ăn liền”, chạy theo lợi nhuận trước mắt khiến những chương trình Việt Nam ngày càng kém thu hút khán giả. Trong khi đó, những game show, chương trình truyền hình thực tế đưa về Việt Nam thời gian qua đều là những chương trình thành công bậc nhất thế giới, kết cấu chương trình mới lạ, hấp dẫn lại được hậu thuẫn mạnh mẽ của truyền thông đã dẫn dắt cảm xúc của người xem, tạo nên hiệu ứng xã hội rất lớn, góp phần quan trọng tạo ra trào lưu mua bản quyền chương trình nước ngoài.

Tiết mục của Lan Phương tại chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2013. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Tiết mục của Lan Phương tại chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2013. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

        “Giờ vàng” cho chương trình thuần Việt?

Dễ dàng nhận thấy, sự xâm nhập ồ ạt của các chương trình giải trí nước ngoài có lẽ một phần bắt nguồn từ chủ trương xã hội hóa truyền hình, một chủ trương giúp mở rộng cánh cửa để các đơn vị tư nhân có cơ hội trở thành đối tác cung cấp và sản xuất chương trình cho nhà đài. Danh nghĩa là liên kết để sản xuất nhưng thực tế các chương trình đều do tư nhân đầu tư từ A đến Z.

Trong tình thế đó, để đảm bảo an toàn đồng vốn bỏ ra, tối đa hóa lợi nhuận, cũng như đánh vào tâm lý chuộng ngoại của khán giả Việt, các đơn vị truyền thông đã chọn giải pháp ăn theo sự thành công của các chương trình truyền hình nổi tiếng trên thế giới (đã được bảo chứng thành công ở nước ngoài, công nghệ sản xuất hiện đại, sức nóng cộng hưởng từ truyền thông...) mà không phải mất công đầu tư, gầy dựng đội ngũ sản xuất trong nước.

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng rõ ràng giữa một mâm cỗ thịnh soạn đã bày sẵn với việc loay hoay tìm nguyên liệu, công thức để chế biến món ăn (mà chưa biết có ngon hay không) thì kết quả lựa chọn thế nào là điều ai cũng có thể trả lời được. Và trong bối cảnh các công ty truyền thông, nhà đài đều say sưa với sức hút cũng như thành công (nhất là yếu tố lợi nhuận) của những chương trình Việt hóa thì các chương trình thuần Việt nhường sân chơi là điều khó tránh khỏi.

Chính vì vậy, đã có ý kiến cho rằng, để các chương trình giải trí truyền hình Việt Nam có đất sống, nên chăng có quy định “giờ vàng” cho các chương trình giải trí này như đang áp dụng trong lĩnh vực phim truyền hình. Bởi nếu cứ phó mặc cho thị trường và nhân danh thị hiếu khán giả để phát sóng tràn lan các chương trình nước ngoài được Việt hóa như hiện nay, rõ ràng là vô cảm và thiếu trách nhiệm với nền sản xuất truyền hình trong nước.

Giờ thì người ta mua hầu hết bản quyền các chương trình nổi tiếng, từ chương trình thành công quy mô toàn cầu hay các nước Âu, Mỹ như American Idol, The Voice, The X Factor, Dancing with the stars, The winner is, Project Runway, So you think you can dance… đến những chương trình thành công ở các quốc gia châu Á như Lữ khách 24 giờ, Bạn đường hợp ý, Con đã khôn lớn, Về trường… (đều mua bản quyền từ Nhật Bản).

Không chỉ chương trình dành cho người lớn, những chương trình giải trí đơn thuần mà giờ đây chương trình dành cho trẻ em, lứa tuổi học trò, những chương trình ngoài yếu tố giải trí đơn thuần còn mang trong nó những giá trị văn hóa, giáo dục nhất định cũng được mua bản quyền và Việt hóa.

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục