Thư viện giữa cù lao sông Hậu
Nằm trên dãy đất cù lao giữa sông Hậu, ngôi trường THPT mang tên người chiến sĩ cách mạng trung kiên Đoàn Văn Tố (thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) hiện đang đào tạo cho gần 900 “chủ nhân tương lai của đất nước”.
Thầy Lâm Văn Cam, Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Văn Tố, chia sẻ: Ngôi trường nằm biệt lập giữa sông Hậu, đi lại đã là một vấn đề khó khăn. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học thời gian qua cũng được các ngành các cấp quan tâm đầu tư, thế nhưng mới đạt ở mức cơ bản do điều kiện kinh tế địa phương còn hạn chế, các em học sinh chịu nhiều thiệt thòi so với các trường khác.
Cụ thể như thư viện của trường, dù quy mô gần 900 học sinh nhưng chỉ có diện tích 60m2, đặt ở góc tầng 1 của dãy phòng học. Thư viện chỉ có 2 dãy bàn ghế, 1 kệ sách chưa đầy 200 đầu sách đã cũ, sức chứa cùng lúc khoảng 40 học sinh. Ngoài ra, khuôn viên học tập này chỉ có duy nhất 1 máy tính được dùng để phục vụ công tác quản lý thư viện, các em không có máy tính để tra cứu, hệ thống đèn đã hư hỏng nặng.
“Những lúc tập trung ôn tập chuẩn bị cho thi cử, nhìn các em chen chúc, mồ hôi nhễ nhại trong thư viện, thấy thương lắm. Cũng từ đó, mong ước về một thư viện khang trang, với đầy đủ các trang thiết bị đã được thầy trò nhà trường ấp ủ từ lâu”, thầy Lâm Văn Cam bộc bạch.
Đồng hành, chia sẻ cùng thầy trò Trường THPT Đoàn Văn Tố, Báo SGGP với Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” đã đến với dãy đất cù lao sông Hậu nhằm hiện thực hóa giấc mơ trên. Với tinh thần khẩn trương, Báo SGGP đã triển khai lắp đặt 6 bộ máy vi tính để bàn, 6 bộ bàn ghế máy tính, 6 kệ sách cùng hàng trăm đầu sách các loại phục vụ nhu cầu học tập, trau dồi kiến thức cho các em học sinh. Tổng mức đầu tư các hạng mục với tổng trị giá 150 triệu đồng.
Không giấu được niềm vui, thầy Lâm Văn Cam chia sẻ: “Các hạng mục mà Báo SGGP đã hỗ trợ đầu tư mang ý nghĩa rất thiết thực đối với nhà trường. Với hệ thống máy tính, các em sẽ có thêm điều kiện tra cứu thông tin, tìm kiếm tài liệu phục vụ đắc lực cho việc học tập, thi cử. Ngoài ra, với hàng trăm đầu sách được bổ sung cho thư viện, sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh”.
Đến với vùng sâu Bạc Liêu
Trường THPT Ninh Thạnh Lợi có 2 cơ sở: cơ sở chính dạy từ lớp 9-12, nằm trên địa bàn ấp Xẻo Gừa (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Cơ sở 2 dạy từ lớp 6-8, nằm tại điểm chợ mới của xã Ninh Thạnh Lợi, cách cơ sở chính khoảng 1km. Năm học này, trường đón trên 1.120 học sinh với cả 2 cấp THCS và THPT. Cơ sở vật chất cả 2 điểm trường chỉ đáp ứng nhu cầu dạy và học ở mức cơ bản.
Tuy nhiên, đối với cơ sở 2 phục vụ cho việc dạy cấp THCS được xây dựng cách đây khoảng 20 năm nên đã xuống cấp. Thêm vào đó, phòng học xây dựng theo chương trình kiên cố hóa trước đây nên diện tích nhỏ, không đảm bảo theo chuẩn mới nên ảnh hưởng đến sĩ số học sinh. Các phòng chức năng phục vụ cho công tác dạy và học chỉ đạt ở mức tối thiểu.
Thầy Danh Tô Nol, Hiệu phó Trường THPT Ninh Thạnh Lợi, cho biết, trường đóng trên địa bàn vùng sâu vùng xa, cách trung tâm huyện Hồng Dân hơn 20km, cách trung tâm tỉnh Bạc Liêu khoảng 60km. Hiện một số nơi trên địa bàn chưa có đường giao thông nên điều kiện đến trường của nhiều học sinh rất vất vả. Đa phần học sinh tại Trường THPT Ninh Thạnh Lợi là con nông dân, điều kiện kinh tế còn hạn chế nhưng các em rất chịu khó học tập, có ý chí vươn lên.
Hiện tại, trường có một thư viện tại điểm chính. Thư viện này trước đây được trưng dụng từ phòng học nên diện tích khá hẹp, phục vụ cùng lúc khoảng 25 học sinh, thầy cô giáo. Vì vậy, không gian đọc tại thư viện rất nhỏ hẹp, chưa thông thoáng.
Thầy Danh Tô Nol cũng thông tin, sau khi tiếp nhận thư viện Báo SGGP tài trợ, trường đã xây dựng nhà tiền chế nối liền với thư viện hiện hữu với diện tích khoảng 40m2, trang trí tạo không gian xanh, thông thoáng. “Trường được tặng thư viện đã giúp không gian đọc của thư viện được mở rộng. Khi đó, thư viện sẽ hấp dẫn hơn, giúp học sinh tăng cường đến thư viện. Nhà trường cũng hướng đến việc tăng cường lượng sách tham khảo, các ấn phẩm, tạo nguồn xây dựng văn hóa đọc phong phú cho các em, giúp nâng cao hiệu quả học tập”, thầy Tô Nol chia sẻ.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, với sự phối hợp của Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, đồng hành thực hiện chương trình nghệ thuật truyền cảm hứng Viet Nam Stronger để vận động tối thiểu 2 công trình “Ngôi nhà tri thức” (trị giá khoảng 500 triệu đồng/công trình) và các quà tặng khác để giúp các em học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập, tiếp cận với tri thức.