UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định số 3126/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm ký thay Chủ tịch ngày 26-8-2020 về Phê duyệt điều chỉnh Đề án thực hiện Chương trình “Sữa học đường” giai đoạn 2018-2020.
Thực hiện trong tháng 11 và 12
Theo đó, UBND TPHCM điều chỉnh thời gian thụ hưởng, định mức thụ hưởng, tiêu chuẩn sữa thực hiện Đề án, kinh phí và nguồn kinh phí, triển khai uống sữa và tổ chức thực hiện của nội dung Đề án Chương trình sữa học đường (SHĐ) bàn hành kèm theo Quyết định 674/QĐ-UBND ngày 23-2-2019 của UBND TP.
Về thời gian thụ hưởng Chương trình “Sữa học đường”, Quyết định 3126 nêu rõ: Tháng 11 và 12, học kỳ I năm học 2020-2021 triển khai thực hiện đối với trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học (lớp 1) trên toàn TPHCM.
Mỗi trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học (lớp 1) được uống 1 hộp sữa, dung tích 180ml/lần/ngày với 5 lần/tuần, trong thời gian của năm học. Sản phẩm sữa là sản phẩm sữa tươi tiệt trùng có đường hoặc không đường và phải đảm bảo các tiêu chuẩn về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng cũng như theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Tổng nguồn dự toán kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện đề án trên 250 tỷ đồng, trong đó, trên 81 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, phụ huynh học sinh đóng góp khoảng 125 tỷ và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ gần 52 tỷ.
Đảm bảo khách quan, minh bạch, chất lượng
Quyết định 3126 nhấn mạnh: Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục công lập chịu trách nhiệm triển khai ký hợp đồng mua sắm hàng hoá với nhà thầu cung cấp sữa và chịu trách nhiệm thanh quyết toán theo quy định. Riêng với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, lớp mẫu giáo tư thục - Phòng Giáo dục đào tạo quận, huyện chịu trách nhiệm triển khai ký hợp đồng mua sắm hàng hoá với nhà thầu cung cấp sữa, đảm bảo đúng số lượng, số lần, đúng giờ và đảm bảo VSATTP.
Đặc biệt, trong Quyết định 3126 yêu cầu: Sở Tư pháp TP phải chịu trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM trong thực hiện xây dựng kế hoạch đấu thầu, tổ chức đấu thầu, ký kết thoả thuận khung và sửa đổi, điều chỉnh bổ sung Thoả thuận khung mua sắm sản phẩm sữa của Đề án theo quy định pháp luật về đấu thầu. Đảm bảo khách quan, minh bạch, chất lượng.
Được biết, Chương trình Sữa học đường (SHĐ) được UBND TPHCM triển khai từ đầu tháng 11 và tiếp tục thực hiện đến hết học kỳ 2 năm học 2019-2020 tại 10/24 quận, huyện gồm: 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, thực tế năm học 2019-2020 chỉ được thực hiện khoảng 5 tháng, do từ đầu tháng 11-2019 mới chính thức triển khai, và đợt nghỉ dịch sau Tết làm gián đoạn. Thống kê cho thấy ở học kỳ 1 có hơn 52% số học sinh thuộc đối tượng trẻ mầm non và học sinh lớp 1 tham gia. Sang học kỳ 2, số liệu này giảm khoảng 7%, còn hơn 45% trẻ tham gia uống sữa học đường.
Trong cuộc họp với Ban Văn hoá-xã hội HĐND TPHCM gần đây, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, để việc triển khai Chương trình SHĐ được hiệu quả, thì việc duy trì liên tục kịp thời là rất cần thiết. Việc thí điểm nên kéo dài đến học kỳ 1 năm học 2020-2021, thời điểm này tương ứng với Quyết định phê duyệt Chương trình SHĐ của Thủ tướng Chính phủ.