Chương trình sữa học đường: Khắc phục những bất cập

Tính từ tháng 11-2019 đến nay, 10 quận huyện của TPHCM thực hiện thí điểm về Chương trình sữa học đường (gọi tắt là Chương trình) theo Nghị quyết 14 của HĐND TPHCM. Chương trình được nhìn nhận mang tính nhân văn sâu sắc và nhận được sự đồng cảm cao từ xã hội.

Tuy nhiên, khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP mới đây về vấn đề trên cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn cần sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng để thu hút học sinh tham gia đông đảo hơn.

Chương trình sữa học đường: Khắc phục những bất cập ảnh 1 Học sinh Trường Mầm non Long Thạnh Mỹ (quận 9) uống sữa 5 ngày/tuần
Giảm mạnh do dịch Covid-19

Tại quận 9, UBND báo cáo Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng 11-2019 đến tháng 1-2020) có 118 cơ sở giáo dục tham gia với tổng số trên 10.500 trẻ; giai đoạn 2 (từ 25-5 đến nay) có 99 cơ sở tham gia với gần 8.700 trẻ. Qua 2 giai đoạn triển khai có những thuận lợi xen kẽ khó khăn, như một số trường ngoài công lập, phụ huynh chưa quan tâm đến Chương trình, số trẻ tham gia giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phụ huynh đăng ký chưa ổn định.

Huyện Bình Chánh có 250 trường tiểu học, mầm non và nhóm lớp mẫu giáo độc lập. Triển khai thí điểm ở học kỳ 1, Chương trình có gần 82% số trường tham gia với 17.500 học sinh (đạt 53% tổng số học sinh), nhưng tới học kỳ 2 giảm chỉ còn chưa đến 38% số trường với 11.000 học sinh tham gia (tỷ lệ 34%).

Theo phản ánh của các trường, một số phụ huynh không tham gia vì muốn nhường chương trình hỗ trợ cho các bé khó khăn hơn. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, một số công nhân về quê chưa lên nên các bé theo mẹ cũng chưa trở lại học. Dịch bệnh cũng làm gián đoạn việc triển khai Chương trình, do kinh tế khó khăn hơn nên nhiều gia đình cắt giảm các nhu cầu chi tiêu. Một bất cập trong triển khai Chương trình được các địa phương nêu nhiều nhất là đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo phải có sổ xác nhận hộ nghèo mới được hưởng tiêu chuẩn uống sữa miễn phí. Cô Lê Thị Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thạnh (quận 9), cho biết học sinh ở trường đa số là con công nhân thuộc diện tạm trú, vì trường gần Khu Công nghệ cao TPHCM. Do đó, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc xác lập các em có đủ điều kiện để được uống sữa miễn phí. “Có em nhà trường biết là học sinh nghèo nhưng vẫn không thể đưa vào diện được uống sữa miễn phí”, cô Hạnh nói.

Cần thêm giải pháp mới

Chương trình được UBND TPHCM triển khai từ đầu tháng 11-2019 và tiếp tục thực hiện đến hết học kỳ 2 năm học 2019-2020 tại 10 quận huyện (các quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ), nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, thực tế năm học này chỉ được thực hiện khoảng 5 tháng, do đợt nghỉ dịch sau tết làm gián đoạn. Thống kê cho thấy ở học kỳ 1 có hơn 52% số học sinh thuộc đối tượng trẻ mầm non và học sinh lớp 1 tham gia. Sang học kỳ 2, con số này giảm chỉ còn hơn 45% trẻ tham gia uống sữa học đường.

Để Chương trình được triển khai hiệu quả, việc duy trì liên tục kịp thời là rất cần thiết. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc thí điểm nên kéo dài đến học kỳ 1 năm học 2020-2021, thời điểm này tương ứng với Quyết định phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Kỳ họp HĐND TPHCM vào tháng 7 tới đây sẽ quyết định việc có tiếp tục triển khai Chương trình hay không. “Trong lúc chờ đợi HĐND TPHCM quyết định thì những gì có thể chuẩn bị trước Trung tâm Đấu giá tài sản phải chuẩn bị ngay, ít nhất từ 90 đến 100 ngày. Nếu đợi sau kỳ họp HĐND TP mới triển khai thì dự kiến đầu tháng 11 tới các cháu mới có sữa uống, tức là cũng như năm trước”, ông Hưng đề nghị.

Ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, phân tích sữa học đường phải đáp ứng được bộ tiêu chuẩn về chất lượng. Để đảm bảo các tiêu chuẩn này, ban phải tiến hành lấy mẫu. Trong khi đó, trên cả nước, cơ sở có khả năng kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng sữa không nhiều. Phân tích về khó khăn này, ông Hải giải thích: “Giám sát chất lượng là giám sát để xem trong quá trình vận chuyển và bảo quản có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hay không. Chính vì vậy, ban cần triển khai đồng bộ lấy mẫu ở các điểm trên thành phố. Như vậy kinh phí sẽ khá lớn và vướng theo quy định đấu thầu. Làm nhanh thì 45 ngày, không thì 60 ngày đối với gói thầu”.

Theo ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, qua khảo sát cho thấy nhiều đơn vị trường học mong muốn việc triển khai Chương trình mở rộng theo giai đoạn 5 năm, với đối tượng thụ hưởng là tất cả học sinh bậc tiểu học. Do vậy, cần có những giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình. Ông Phong nhấn mạnh: "Quy định nên như thế nào để trên cơ sở quy định đó mình làm cho nhanh nhất, đảm bảo đúng nguyên tắc. Bởi vì mục tiêu của Chương trình là nhân văn, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu xã hội".

Chương trình là đề án của TPHCM dành cho học sinh mẫu giáo và lớp 1 thí điểm trên 10 quận huyện, với mục tiêu đạt 80% học sinh tham gia. Tuy nhiên, ở học kỳ 1 năm học 2019-2020, Chương trình chỉ có hơn 130.000 em tham gia uống sữa (chiếm tỷ lệ hơn 52%); học kỳ 2 là hơn 109.000 em (gần 46%). Số lượng sữa đã cung cấp đến ngày 12-6 là 11/19 triệu hộp. Kết thúc học kỳ 2 là hết thời gian thí điểm, nhưng chỉ đạt 46% so với mục tiêu thành phố đề ra, lý do chính là vì đợt nghỉ dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục