Trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 1-6, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị làm rõ nguyên nhân Nghị quyết 43/2022/QH15 chưa đi vào cuộc sống.
Theo ĐB, dịch Covid- 19 khiến người dân và cộng đồng doanh nghiệp ở nước ta vô cùng khó khăn. Trước thực trạng đó, Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chưa có tiền lệ với bao tâm huyết, công sức của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các ĐBQH nhằm thông qua nhiều cơ chế, chính sách hết sức kịp thời và cần thiết.
“Tuy nhiên, cho đến nay Nghị quyết 43/2022/QH15 chưa thực sự đi vào cuộc sống. Chính phủ cần đánh giá, xem xét kỹ vấn đề này, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và từ đó có các giải pháp hữu hiệu hơn”, ĐB Nguyễn Hữu Thông chỉ ra.
ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng bức xúc khi đến thời điểm này, vốn đầu tư để thực hiện một số dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phân bổ và giải ngân còn chậm, có chương trình phân bổ còn thấp, nhiều khó khăn trong thực hiện đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ phục hồi kinh tế.
ĐB đề nghị cần phân cấp, phân quyền mạnh cho các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được giao tập trung xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn hai 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua; sớm hoàn thiện đường Hồ Chí Minh tạo kết nối, thúc đẩy phát triển nhất là những địa phương có đường cao tốc đi qua.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng cho rằng, chương trình phục hồi kinh tế là quyết tâm rất cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhưng đang được triển khai rất chậm.
“Vấn đề là có lý do để chậm hay không? Theo tôi là không. Bởi nguồn lực có, điều kiện thông thoáng. Nhưng tại sao lại chậm? Như vậy là lãng phí nguồn lực và thời gian, có thể lỡ nhịp phát triển”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần có báo cáo chỉ rõ tại sao chậm, trách nhiệm của ai, chỉ rõ những vướng mắc ở đâu, mục đích là để bảo đảm triển khai chương trình phục hồi kinh tế kịp thời, không để lỡ nhịp.